Bến Đò Xưa Hoang Vắng
Trần Quang Lộc
- Đò ơi! Đò... Ò... Ò...
Đứng bên nầy sông nhìn sang bến đò năm cũ nhạt nhòa sương khói, tôi cất tiếng gọi đò. Âm thanh "đò" kéo dài vang vọng trên dòng sông gợn sóng rồi lịm tắt trong buổi chiều cuối năm se lạnh.
- Đò ơi!
Tôi định lấy giọng gọi tiếp thì một người đàn ông đang đứng trên bãi dâu cạnh đó, lên tiếng:
- Đò giang đâu nữa mà gọi. Chú em muốn sang sông cứ đi thêm quãng nữa sẽ có cầu. Bến đò đã bãi bỏ lâu rồi.
Theo sự chỉ dẫn của người đàn ông tốt bụng, tôi đi dọc triền sông một đỗi nữa gặp chiếc cầu xi măng khỏe khoắn níu chặt đôi bờ thưa thớt mấy bụi tre già đang run rẩy và những khóm cừa tàu soi mình trên nước biếc.
Sang bên kia sông, tôi hết sức ngỡ ngàng, làng xóm bây giờ rất khác xưa, suýt nữa tôi không còn nhận ra.
Con đường liên thôn liên xã đỏ quạch màu đất bazan với hàng trụ bằng tre khẳng khiu ruỗng mục móc đầy dây dẫn điện bùng nhùng rối rắm xẻ dọc làng Nhơn Hạnh ra làm hai nửa, nửa nào cũng xám xịt trống huếch, thiếu hẳn màu xanh tươi mát của vườn cây, của lũy tre làng đã bị triệt hạ để lấy chỗ xây nhà bán đất. Dọc theo con đường mới mở còn lồi lõm ổ gà, sống trâu là hai dãy nhà lợp tôn móc ngói; lấn ra, thụt vào; mới cũ, to nhỏ, cao thấp khác nhau; nhớp nháp bụi đường. Thị tứ mới toanh, nghèo nàn, nham nhở nhưng lúc nào cũng đầy ắp những âm thanh ồn ào náo nhiệt tỏa ra từ các quán cà phê, quán nhậu bình dân, hàng trò chơi điện tử...
Giữa buổi chiều quê ồn ào sôi động bởi những âm thanh của chốn thị thành, bỗng có tiếng võng đưa kẽo kẹt với lời ru khắc khoải nghe xa vắng mơ hồ như từ trong thẳm sâu quá khứ.
Làng Nhơn Hạnh bình yên, êm ả đã bị làn sóng văn minh đẩy lùi vào quên lãng!
Quê tôi miền trung du. Làng Nhơn Hạnh nằm dọc dòng Kôn xanh biếc, tuy là quê cô nhưng với tôi có nhiều kỷ niệm.
Tuổi thơ của tôi không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Năm bốn tuổi, mẹ mất vì căn bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn rất trẻ. Cha tôi sống trong cảnh nghèo túng quanh năm trên cái làng nhỏ của một huyện miền trung du bốn bề đất đai khô cằn sỏi đá và cứ mỗi hoàng hôn bảng lảng sương mù. Mặc dù vậy, ba tôi vẫn quyết tâm nuôi tôi ăn học để sau này có cuộc sống khá hơn. Năm tôi thi đỗ bằng tiểu học cũng là năm ba tôi sang Mỹ theo diện HO. Cô tôi từ miền xuôi vượt hàng trăm cây số lên đón tôi về nuôi dưỡng. Ngày theo cô về xuôi, tôi không tránh khỏi luyến tiếc bùi ngùi vì phải xa làng, xa quê, xa mảnh đất trung du tuy nghèo nhưng ở đó, tôi đã trải qua thời thơ ấu.
Cô tôi sống đạm bạc trong căn nhà tôn vách ván cạnh bến đò Trường Thi nhộn nhịp khách thương hồ, mặt hướng về dòng sông Kôn xanh biếc êm đềm với những con đò dọc, đò ngang sớm chiều khỏa nước. Nghe tin cô tôi vừa đón về một đứa cháu ruột, bạn bè hàng xóm đến chúc mừng thăm hỏi. Ai cũng bảo tôi thông minh, ngộ nghĩnh, rắn chắc, là chỗ dựa của cô tôi lúc tuổi già sức yếu. Cô tôi chỉ cười, không nói. Còn tôi, cứ trả lời nhát gừng mỗi khi có ai hỏi đến.
Mấy tuần lễ đầu, tôi rất buồn vì lạ người lạ cảnh, vì nỗi nhớ cồn cào, da diết. Những buổi chiều, tôi thường ra ngồi bên quãng sông vắng dõi theo bóng chim chao liệng trên dòng nước rực đỏ ánh hoàng hôn. Đêm, chới với, đắm chìm trong hoài niệm. Mỗi lần nghe tiếng gọi đò văng vẳng giữa sương khuya từ phía bên kia sông vọng lại, tôi càng nhớ quê, nhớ ba tôi da diết. Cô tôi vẫn nhẫn nại ngồi cạnh tôi phe phẩy chiếc quạt lá dừa vỗ về an ủi bằng giọng buồn rười rượi như từ trong sâu thẳm nỗi khổ đau: "Con người ai cũng có số phận riêng. Phải biết vượt qua số phận bằng nghị lực của chính mình con ạ! Đừng buồn! Tất cả rồi sẽ qua đi". Tôi không hiểu gì lời cô nói nhưng tôi yêu quí cô biết ngần nào.
Hồi ấy, cô rất chiều tôi, mỗi lần sang bên kia sông mua hàng họ về bán, cô thường đưa tôi theo. Có lần, ngồi trên chuyến đò sang sông, tôi hỏi cô:
- Tại sao người ta gọi là bến đò Trường Thi hả cô?
Như một giáo viên dạy sử, cô giảng giải cặn kẽ:
- Dưới triều nhà Nguyễn, phía bên nầy sông có trường thi Hương, cung cấp hàng trăm cử nhân tú tài cho các tỉnh miền Nam Trung bộ. Cứ ba năm tổ chức một kỳ thi Hương. Gần đến ngày thi, sĩ tử các nơi mang lều chõng, nghiên bút đổ về đây đông như trẩy hội. Bà con trong vùng dựng lều quán bán hàng cơm, giấy bút dọc hai bên các ngả đường. Đò ngang qua lại tấp nập trên dòng sông Kôn phục vụ sĩ tử và các quan giám khảo ở Kinh đô vào. Từ đó, bến đò mang tên Trường Thị Gần bảy thập kỷ trường thi tồn tại và trên hai mươi kỳ thi Hương được tổ chức, phần lớn thủ khoa thuộc về tay sĩ tử Bình Định. Vì vậy, ở đây có câu ca còn truyền tụng:
Uổng công các tỉnh đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa nhiều kỳ.
Ông nội con cũng đậu đầu cử nhân kỳ thi Hương cuối cùng. Mãi đến khi việc học chữ Hán bị bãi bỏ, trường thi hoang phế dần rồi bị giặc Pháp đập phá, trường thi chỉ còn là những đống đất đá làm chứng tích. Bến đò Trường Thi vẫn tồn tại và là nguồn cảm hứng cho các thi nhân. Bài thơ Bến My Lăng nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan ra đời cũng từ bến đò đầy gợi hứng nầy. Như chợt nhớ ra tôi chỉ là đứa bé vừa học xong tiểu học, cô cầm tay tôi, dặn dò - Con ráng học để sau này đỗ đạt như nội con ngày xưa.
Thời son trẻ, cô dượng tôi sống rất hạnh phúc trên làng Nhơn Hạnh nằm dọc dòng Kôn xanh. Cô mở quán trên bến Trường Thi phục vụ khách thương hồ. Dượng tôi vừa dạy học vừa tham gia hoạt động bí mật. Người con trai duy nhất của cô dượng đang học cấp ba.
Rồi chiến tranh diễn ra ác liệt trên quê hương cô dượng, khói lửa ngút trời, đạn bom xới tung đường thôn ngõ xóm. Dượng tôi mất vào một chiều giông gió bên dòng sông Kôn. Bốn năm sau, người con trai của cô dượng cũng hy sinh trên mặt trận Tây Nguyên giữa mùa hè năm 72 rực lửa. Sự ra đi của đứa con trai yêu quí đã làm cho mái tóc cô bạc trắng, tinh thần suy sụp mặc dù lúc ấy tuổi chưa đến bốn mươi. Sau chiến tranh, cô tiếp tục thân cò lặn lội ven bến sông xưa.
Rồi tất cả cũng qua đi. Nỗi buồn của tôi đã nguôi dần theo tình thương của cô, theo dòng Kôn êm đềm với những chuyến đò ngang cần mẫn nối liền hai bờ lau lách. Làng Nhơn Hạnh êm ả chan chứa tình người giúp tôi tìm lại lứa tuổi hồn nhiên mà số phận đã cuốn trôi.
Đầu năm học mới, cô đưa tôi vào học lớp sáu, cùng trường với chị Thưa. Chị Thưa ở cách nhà cô tôi một thửa vườn rộng. Ba chị làm y tế xã, mẹ mở hiệu may trên phố huyện. Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày tràn đầy hạnh phúc. Tuy lớn hơn tôi năm tuổi nhưng chị vẫn đang theo học lớp 8 trường làng. Ở vùng quê, trẻ con học muộn là chuyện thường. Tính chị Thưa vui vẻ hồn nhiên. Vì vậy, mới gặp chị lần đầu mà tôi đã cảm mến. Còn chị, rất thương tôi sớm mang thân phận nghèo, côi cút. Chị thường xưng hô "chị em" với tôi rất thân mật. Tôi và chị Thưa học cùng buổi nên sáng nào chị cũng ghé lại rủ tôi đi học. Tan trường, cùng về. Thường những buổi tối, chị hay đến nhà tôi chỉ hộ mấy bài toán khó rồi nói chuyện với cô tôi trước lúc ra về, hoặc rủ tôi đi xem hát mỗi khi có đoàn cải lương nào đó ở Sài Gòn ra diễn trên nhà văn hóa xã. Những ngày nghỉ học, tôi cùng chị Thưa lên khu đồi sau lưng nhà chị hái sim chín và nhặt củi khô đem về đun bếp. Có hôm, cùng ra tận quãng sông vắng đợi con nước ròng, bày trơ cát nhặt những con hàu con hến. Thi thoảng, những kỳ lễ tết, cô đưa chúng tôi lên thành phố Quy Nhơn ngắm biển, mua hàng. Từ ngày quen thân chị Thưa, tôi vơi bớt nỗi buồn, việc học cũng có chiều hướng tiến bộ rõ rệt. Tôi quí chị Thưa lắm. Vắng chị thấy nhớ.
Theo thông lệ, đầu tháng ba làng Nhơn Hạnh mở hội, người các nơi đổ về tưng bừng nhộn nhịp. Mới nửa chiều mà trống chầu đã nổi lên giòn giã, thôi thúc từ phía sân đình vọng lại. Hôm ấy, tôi đi học về đến nhà trời đã nhập nhoạng. Cơm nước xong xuôi, tôi háo hức đến rủ chị Thưa cùng dự hội làng. Dưới ánh trăng thượng tuần treo lơ lửng tận góc trời xa, chị Thưa nắm chặt tay tôi đi hết con đường làng rợp bóng rồi băng tắt qua mấy thửa ruộng dưa để kịp xem đoạn đầu vở tuồng "Đổng Trác hí Điêu Thuyền", vở tuồng Tàu mà cô tôi khen hay lắm. Đến một khoảng vắng, tôi bỗng kêu thét lên "ma" rồi quay lại ôm cứng lấy thân thể tròn trịa săn chắc, ấp mặt vào bộ ngực no tròn đầy gợi cảm của chị, thở dồn. Chị Thưa vòng tay âu yếm siết chặt lấy tôi nhận chìm trong hơi thở dịu ngọt dồn dập, gấp gáp của lồng ngực phập phồng rung rẩy, thoảng chút hương bưởi hương chanh tỏa ra từ mái tóc dài óng mượt của chị để rồi chỉ trong khoảnh khắc, nỗi sợ hãi tiêu tan, lòng tôi rộn lên cảm giác ngất ngây tê dại. Bất chợt, như bừng tỉnh cơn mê, chị khẽ đẩy tôi ra thở dài thảng thốt, cất giọng hổn hển:
- Bù nhìn giữ dưa đấy em!
Tôi ngơ ngác nhìn chị rồi lặng lẽ đi vào hội làng...
Sau đêm hội làng không bao lâu thì ba tôi về làm thủ tục bảo lãnh cô cháu tôi sang Mỹ. Cô tôi dứt khoát không chịu rời bỏ quê hương xứ sở, mồ mả ông bà. Ba tôi cố thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển nổi ý chí của cô tôi. Riêng tôi, rất yêu cô, yêu da diết làng quê Nhơn Hạnh, yêu bến Trường Thi với những chuyến đò ngang ngày đêm cần mẫn nối lại đôi bờ, nhưng không phải vì vậy mà làm đảo lộn mọi lo toan tính toán của ba tôi.
Trước hôm ra đi, tôi tìm chị Thưa để chào từ biệt. Tìm mãi rồi cũng gặp chị đứng lặng lẽ trên quãng sông vắng, mắt buồn thăm thẳm hướng về chuyến đò chiều khỏa nước trên dòng sông đỏ rực ráng hồng. Tôi khẽ khàng bước đến cạnh chị, giọng bùi ngùi:
- Chị Thưa, sáng mai em đi...
Không lên tiếng cũng không ngoảnh lại nhìn tôi, chị bỗng đưa tay ôm mặt nấc nghẹn, bờ vai run rẩy theo nhịp sóng lòng dâng cuộn... Lòng tôi cũng se lại. Bất chợt, như một cơn gió giật, chị quay lại ôm chầm lấy tôi, hôn tới tấp lên tóc lên cổ nhạt nhòa nước mắt rồi vụt chạy qua bãi dâu xanh ngắt, lồng lộng gió chiều.
Đêm ấy, tôi cứ thao thức, trăn trở. Trước giờ phút ly hương sao mà buồn da diết!
Tảng sáng hôm sau, chuyến đò đầu tiên trong ngày chỉ có ba con tôi và một nỗi buồn lặng lẽ rời xa bến. Trước mặt tôi, làng Nhơn Hạnh như bồng bềnh chao đảo trong sương sớm.
Bất chấp con đò chòng chành, tôi bỗng đứng vụt lên gọi lớn:
- Chị Thưa! Chị Thưa ơi!
Trên bến Trường Thi, chị Thưa đang đứng vẫy tay chào từ biệt. Con đò vô tâm cứ lặng lẽ xa bờ. Nhìn hình ảnh chị Thưa khép dần rồi khuất hẳn trong làn sương tím, lòng tôi cứ thấy rưng rưng.
Sau mười năm ăn học nước ngoài, tôi đã trở thành nhà khoa học có tên tuổi đang xin về Việt Nam theo nguyện vọng của ba tôi. Ngày trở lại quê cô như một kẻ lãng du quay về làng cũ lần tìm kỷ niệm của một thời dĩ vãng.
Bước vào cửa hiệu uốn tóc, tôi hỏi một cô gái còn non choẹt, mặc quần đùi bó sát, phô diễn cặp giò mốc thếch đang ngồi tự dũa gọt móng tay:
- Em làm ơn chỉ giúp anh nhà chị Thưa.
Cô bé giương mắt nhìn tôi lắc đầu:
- Ở đây không có ai tên Thưa!
Một giọng đàn bà từ phía sau tấm vải màn cũ kỹ đầy cáu bẩn:
- Thưa là Ngọc Ánh đấy con.
Cô bé "à" lên một tiếng rồi đứng lên bước ra khỏi cửa, sốt sắng:
- Đó, cái nhà hai mê ở tận đầu hồi đó. Cô bé nheo mắt nhìn tôi ra vẻ giễu cợt - Anh muốn hát phải không?
Đến nhà chị Thưa, thấy có tấm bảng nhỏ treo ngay ngắn trước cửa: "Phòng Karaoke vi tính". Tôi hồi hộp đưa tay gõ cửa khẽ khàng rồi chờ đợi nỗi vui mừng ập đến. Cánh cửa bật mở, âm thanh xập xình với giọng hát ồm ồm tuôn ra cùng lúc với cô gái xinh xắn hớt tóc tém, quần áo khêu gợi, mặt dày son phấn nhìn tôi dò xét. Trời ơi! Chị Thưa của tôi đây sao? Phép lạ nào đã thay đổi chị Thưa xinh đẹp hiền lành nhân hậu thành cô Ngọc Ánh mắt xanh mỏ đỏ, tay chân đầy móng vuốt ? Trong lúc tôi đang hoang mang dao động thì chị vẫn vô tình nhoẻn miệng cười duyên như chị thường làm chiều khách:
- Anh thông cảm, em đang tiếp các sếp trên huyện.
Tôi định cất tiếng gọi chị thì chị tỏ lời an ủi:
- Đừng buồn! Tối trở lại em sẽ lấy giá mềm hơn.
Nói xong, cánh cửa khép kín, chị khuất hẳn sau lớp kính mờ để lại trong tôi một nỗi buồn thăm thẳm.
Rời nhà chị Thưa, tôi lầm lũi đến bến đò ngày trước. Nhìn lại ngôi nhà của cô mà tim tôi đau nhói. Cô tôi mất cách đây năm năm. Ngày cô mất, ba tôi có về chịu tang. Riêng tôi, lúc ấy đang bận kỳ thi tốt nghiệp. Ngôi nhà từ đó thay đổi chủ. Bến đò Trường Thi bây giờ cỏ dại um tùm, phủ dày lau trắng. Cảnh cũ hoang vắng tiêu điều.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm!
Tôi đứng vào vị trí mà chị Thưa đã đứng tiễn tôi ngày xưa, lặng lẽ nhìn quãng sông chiều vỡ vụn ánh hoàng hôn. Hình như có tiếng gọi đò văng vẳng mơ hồ vọng về từ trong thẳm sâu ký ức.
Hết
Trần Quang Lộc
- Đò ơi! Đò... Ò... Ò...
Đứng bên nầy sông nhìn sang bến đò năm cũ nhạt nhòa sương khói, tôi cất tiếng gọi đò. Âm thanh "đò" kéo dài vang vọng trên dòng sông gợn sóng rồi lịm tắt trong buổi chiều cuối năm se lạnh.
- Đò ơi!
Tôi định lấy giọng gọi tiếp thì một người đàn ông đang đứng trên bãi dâu cạnh đó, lên tiếng:
- Đò giang đâu nữa mà gọi. Chú em muốn sang sông cứ đi thêm quãng nữa sẽ có cầu. Bến đò đã bãi bỏ lâu rồi.
Theo sự chỉ dẫn của người đàn ông tốt bụng, tôi đi dọc triền sông một đỗi nữa gặp chiếc cầu xi măng khỏe khoắn níu chặt đôi bờ thưa thớt mấy bụi tre già đang run rẩy và những khóm cừa tàu soi mình trên nước biếc.
Sang bên kia sông, tôi hết sức ngỡ ngàng, làng xóm bây giờ rất khác xưa, suýt nữa tôi không còn nhận ra.
Con đường liên thôn liên xã đỏ quạch màu đất bazan với hàng trụ bằng tre khẳng khiu ruỗng mục móc đầy dây dẫn điện bùng nhùng rối rắm xẻ dọc làng Nhơn Hạnh ra làm hai nửa, nửa nào cũng xám xịt trống huếch, thiếu hẳn màu xanh tươi mát của vườn cây, của lũy tre làng đã bị triệt hạ để lấy chỗ xây nhà bán đất. Dọc theo con đường mới mở còn lồi lõm ổ gà, sống trâu là hai dãy nhà lợp tôn móc ngói; lấn ra, thụt vào; mới cũ, to nhỏ, cao thấp khác nhau; nhớp nháp bụi đường. Thị tứ mới toanh, nghèo nàn, nham nhở nhưng lúc nào cũng đầy ắp những âm thanh ồn ào náo nhiệt tỏa ra từ các quán cà phê, quán nhậu bình dân, hàng trò chơi điện tử...
Giữa buổi chiều quê ồn ào sôi động bởi những âm thanh của chốn thị thành, bỗng có tiếng võng đưa kẽo kẹt với lời ru khắc khoải nghe xa vắng mơ hồ như từ trong thẳm sâu quá khứ.
Làng Nhơn Hạnh bình yên, êm ả đã bị làn sóng văn minh đẩy lùi vào quên lãng!
Quê tôi miền trung du. Làng Nhơn Hạnh nằm dọc dòng Kôn xanh biếc, tuy là quê cô nhưng với tôi có nhiều kỷ niệm.
Tuổi thơ của tôi không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Năm bốn tuổi, mẹ mất vì căn bệnh hiểm nghèo khi tuổi đời còn rất trẻ. Cha tôi sống trong cảnh nghèo túng quanh năm trên cái làng nhỏ của một huyện miền trung du bốn bề đất đai khô cằn sỏi đá và cứ mỗi hoàng hôn bảng lảng sương mù. Mặc dù vậy, ba tôi vẫn quyết tâm nuôi tôi ăn học để sau này có cuộc sống khá hơn. Năm tôi thi đỗ bằng tiểu học cũng là năm ba tôi sang Mỹ theo diện HO. Cô tôi từ miền xuôi vượt hàng trăm cây số lên đón tôi về nuôi dưỡng. Ngày theo cô về xuôi, tôi không tránh khỏi luyến tiếc bùi ngùi vì phải xa làng, xa quê, xa mảnh đất trung du tuy nghèo nhưng ở đó, tôi đã trải qua thời thơ ấu.
Cô tôi sống đạm bạc trong căn nhà tôn vách ván cạnh bến đò Trường Thi nhộn nhịp khách thương hồ, mặt hướng về dòng sông Kôn xanh biếc êm đềm với những con đò dọc, đò ngang sớm chiều khỏa nước. Nghe tin cô tôi vừa đón về một đứa cháu ruột, bạn bè hàng xóm đến chúc mừng thăm hỏi. Ai cũng bảo tôi thông minh, ngộ nghĩnh, rắn chắc, là chỗ dựa của cô tôi lúc tuổi già sức yếu. Cô tôi chỉ cười, không nói. Còn tôi, cứ trả lời nhát gừng mỗi khi có ai hỏi đến.
Mấy tuần lễ đầu, tôi rất buồn vì lạ người lạ cảnh, vì nỗi nhớ cồn cào, da diết. Những buổi chiều, tôi thường ra ngồi bên quãng sông vắng dõi theo bóng chim chao liệng trên dòng nước rực đỏ ánh hoàng hôn. Đêm, chới với, đắm chìm trong hoài niệm. Mỗi lần nghe tiếng gọi đò văng vẳng giữa sương khuya từ phía bên kia sông vọng lại, tôi càng nhớ quê, nhớ ba tôi da diết. Cô tôi vẫn nhẫn nại ngồi cạnh tôi phe phẩy chiếc quạt lá dừa vỗ về an ủi bằng giọng buồn rười rượi như từ trong sâu thẳm nỗi khổ đau: "Con người ai cũng có số phận riêng. Phải biết vượt qua số phận bằng nghị lực của chính mình con ạ! Đừng buồn! Tất cả rồi sẽ qua đi". Tôi không hiểu gì lời cô nói nhưng tôi yêu quí cô biết ngần nào.
Hồi ấy, cô rất chiều tôi, mỗi lần sang bên kia sông mua hàng họ về bán, cô thường đưa tôi theo. Có lần, ngồi trên chuyến đò sang sông, tôi hỏi cô:
- Tại sao người ta gọi là bến đò Trường Thi hả cô?
Như một giáo viên dạy sử, cô giảng giải cặn kẽ:
- Dưới triều nhà Nguyễn, phía bên nầy sông có trường thi Hương, cung cấp hàng trăm cử nhân tú tài cho các tỉnh miền Nam Trung bộ. Cứ ba năm tổ chức một kỳ thi Hương. Gần đến ngày thi, sĩ tử các nơi mang lều chõng, nghiên bút đổ về đây đông như trẩy hội. Bà con trong vùng dựng lều quán bán hàng cơm, giấy bút dọc hai bên các ngả đường. Đò ngang qua lại tấp nập trên dòng sông Kôn phục vụ sĩ tử và các quan giám khảo ở Kinh đô vào. Từ đó, bến đò mang tên Trường Thị Gần bảy thập kỷ trường thi tồn tại và trên hai mươi kỳ thi Hương được tổ chức, phần lớn thủ khoa thuộc về tay sĩ tử Bình Định. Vì vậy, ở đây có câu ca còn truyền tụng:
Uổng công các tỉnh đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa nhiều kỳ.
Ông nội con cũng đậu đầu cử nhân kỳ thi Hương cuối cùng. Mãi đến khi việc học chữ Hán bị bãi bỏ, trường thi hoang phế dần rồi bị giặc Pháp đập phá, trường thi chỉ còn là những đống đất đá làm chứng tích. Bến đò Trường Thi vẫn tồn tại và là nguồn cảm hứng cho các thi nhân. Bài thơ Bến My Lăng nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan ra đời cũng từ bến đò đầy gợi hứng nầy. Như chợt nhớ ra tôi chỉ là đứa bé vừa học xong tiểu học, cô cầm tay tôi, dặn dò - Con ráng học để sau này đỗ đạt như nội con ngày xưa.
Thời son trẻ, cô dượng tôi sống rất hạnh phúc trên làng Nhơn Hạnh nằm dọc dòng Kôn xanh. Cô mở quán trên bến Trường Thi phục vụ khách thương hồ. Dượng tôi vừa dạy học vừa tham gia hoạt động bí mật. Người con trai duy nhất của cô dượng đang học cấp ba.
Rồi chiến tranh diễn ra ác liệt trên quê hương cô dượng, khói lửa ngút trời, đạn bom xới tung đường thôn ngõ xóm. Dượng tôi mất vào một chiều giông gió bên dòng sông Kôn. Bốn năm sau, người con trai của cô dượng cũng hy sinh trên mặt trận Tây Nguyên giữa mùa hè năm 72 rực lửa. Sự ra đi của đứa con trai yêu quí đã làm cho mái tóc cô bạc trắng, tinh thần suy sụp mặc dù lúc ấy tuổi chưa đến bốn mươi. Sau chiến tranh, cô tiếp tục thân cò lặn lội ven bến sông xưa.
Rồi tất cả cũng qua đi. Nỗi buồn của tôi đã nguôi dần theo tình thương của cô, theo dòng Kôn êm đềm với những chuyến đò ngang cần mẫn nối liền hai bờ lau lách. Làng Nhơn Hạnh êm ả chan chứa tình người giúp tôi tìm lại lứa tuổi hồn nhiên mà số phận đã cuốn trôi.
Đầu năm học mới, cô đưa tôi vào học lớp sáu, cùng trường với chị Thưa. Chị Thưa ở cách nhà cô tôi một thửa vườn rộng. Ba chị làm y tế xã, mẹ mở hiệu may trên phố huyện. Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày tràn đầy hạnh phúc. Tuy lớn hơn tôi năm tuổi nhưng chị vẫn đang theo học lớp 8 trường làng. Ở vùng quê, trẻ con học muộn là chuyện thường. Tính chị Thưa vui vẻ hồn nhiên. Vì vậy, mới gặp chị lần đầu mà tôi đã cảm mến. Còn chị, rất thương tôi sớm mang thân phận nghèo, côi cút. Chị thường xưng hô "chị em" với tôi rất thân mật. Tôi và chị Thưa học cùng buổi nên sáng nào chị cũng ghé lại rủ tôi đi học. Tan trường, cùng về. Thường những buổi tối, chị hay đến nhà tôi chỉ hộ mấy bài toán khó rồi nói chuyện với cô tôi trước lúc ra về, hoặc rủ tôi đi xem hát mỗi khi có đoàn cải lương nào đó ở Sài Gòn ra diễn trên nhà văn hóa xã. Những ngày nghỉ học, tôi cùng chị Thưa lên khu đồi sau lưng nhà chị hái sim chín và nhặt củi khô đem về đun bếp. Có hôm, cùng ra tận quãng sông vắng đợi con nước ròng, bày trơ cát nhặt những con hàu con hến. Thi thoảng, những kỳ lễ tết, cô đưa chúng tôi lên thành phố Quy Nhơn ngắm biển, mua hàng. Từ ngày quen thân chị Thưa, tôi vơi bớt nỗi buồn, việc học cũng có chiều hướng tiến bộ rõ rệt. Tôi quí chị Thưa lắm. Vắng chị thấy nhớ.
Theo thông lệ, đầu tháng ba làng Nhơn Hạnh mở hội, người các nơi đổ về tưng bừng nhộn nhịp. Mới nửa chiều mà trống chầu đã nổi lên giòn giã, thôi thúc từ phía sân đình vọng lại. Hôm ấy, tôi đi học về đến nhà trời đã nhập nhoạng. Cơm nước xong xuôi, tôi háo hức đến rủ chị Thưa cùng dự hội làng. Dưới ánh trăng thượng tuần treo lơ lửng tận góc trời xa, chị Thưa nắm chặt tay tôi đi hết con đường làng rợp bóng rồi băng tắt qua mấy thửa ruộng dưa để kịp xem đoạn đầu vở tuồng "Đổng Trác hí Điêu Thuyền", vở tuồng Tàu mà cô tôi khen hay lắm. Đến một khoảng vắng, tôi bỗng kêu thét lên "ma" rồi quay lại ôm cứng lấy thân thể tròn trịa săn chắc, ấp mặt vào bộ ngực no tròn đầy gợi cảm của chị, thở dồn. Chị Thưa vòng tay âu yếm siết chặt lấy tôi nhận chìm trong hơi thở dịu ngọt dồn dập, gấp gáp của lồng ngực phập phồng rung rẩy, thoảng chút hương bưởi hương chanh tỏa ra từ mái tóc dài óng mượt của chị để rồi chỉ trong khoảnh khắc, nỗi sợ hãi tiêu tan, lòng tôi rộn lên cảm giác ngất ngây tê dại. Bất chợt, như bừng tỉnh cơn mê, chị khẽ đẩy tôi ra thở dài thảng thốt, cất giọng hổn hển:
- Bù nhìn giữ dưa đấy em!
Tôi ngơ ngác nhìn chị rồi lặng lẽ đi vào hội làng...
Sau đêm hội làng không bao lâu thì ba tôi về làm thủ tục bảo lãnh cô cháu tôi sang Mỹ. Cô tôi dứt khoát không chịu rời bỏ quê hương xứ sở, mồ mả ông bà. Ba tôi cố thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển nổi ý chí của cô tôi. Riêng tôi, rất yêu cô, yêu da diết làng quê Nhơn Hạnh, yêu bến Trường Thi với những chuyến đò ngang ngày đêm cần mẫn nối lại đôi bờ, nhưng không phải vì vậy mà làm đảo lộn mọi lo toan tính toán của ba tôi.
Trước hôm ra đi, tôi tìm chị Thưa để chào từ biệt. Tìm mãi rồi cũng gặp chị đứng lặng lẽ trên quãng sông vắng, mắt buồn thăm thẳm hướng về chuyến đò chiều khỏa nước trên dòng sông đỏ rực ráng hồng. Tôi khẽ khàng bước đến cạnh chị, giọng bùi ngùi:
- Chị Thưa, sáng mai em đi...
Không lên tiếng cũng không ngoảnh lại nhìn tôi, chị bỗng đưa tay ôm mặt nấc nghẹn, bờ vai run rẩy theo nhịp sóng lòng dâng cuộn... Lòng tôi cũng se lại. Bất chợt, như một cơn gió giật, chị quay lại ôm chầm lấy tôi, hôn tới tấp lên tóc lên cổ nhạt nhòa nước mắt rồi vụt chạy qua bãi dâu xanh ngắt, lồng lộng gió chiều.
Đêm ấy, tôi cứ thao thức, trăn trở. Trước giờ phút ly hương sao mà buồn da diết!
Tảng sáng hôm sau, chuyến đò đầu tiên trong ngày chỉ có ba con tôi và một nỗi buồn lặng lẽ rời xa bến. Trước mặt tôi, làng Nhơn Hạnh như bồng bềnh chao đảo trong sương sớm.
Bất chấp con đò chòng chành, tôi bỗng đứng vụt lên gọi lớn:
- Chị Thưa! Chị Thưa ơi!
Trên bến Trường Thi, chị Thưa đang đứng vẫy tay chào từ biệt. Con đò vô tâm cứ lặng lẽ xa bờ. Nhìn hình ảnh chị Thưa khép dần rồi khuất hẳn trong làn sương tím, lòng tôi cứ thấy rưng rưng.
Sau mười năm ăn học nước ngoài, tôi đã trở thành nhà khoa học có tên tuổi đang xin về Việt Nam theo nguyện vọng của ba tôi. Ngày trở lại quê cô như một kẻ lãng du quay về làng cũ lần tìm kỷ niệm của một thời dĩ vãng.
Bước vào cửa hiệu uốn tóc, tôi hỏi một cô gái còn non choẹt, mặc quần đùi bó sát, phô diễn cặp giò mốc thếch đang ngồi tự dũa gọt móng tay:
- Em làm ơn chỉ giúp anh nhà chị Thưa.
Cô bé giương mắt nhìn tôi lắc đầu:
- Ở đây không có ai tên Thưa!
Một giọng đàn bà từ phía sau tấm vải màn cũ kỹ đầy cáu bẩn:
- Thưa là Ngọc Ánh đấy con.
Cô bé "à" lên một tiếng rồi đứng lên bước ra khỏi cửa, sốt sắng:
- Đó, cái nhà hai mê ở tận đầu hồi đó. Cô bé nheo mắt nhìn tôi ra vẻ giễu cợt - Anh muốn hát phải không?
Đến nhà chị Thưa, thấy có tấm bảng nhỏ treo ngay ngắn trước cửa: "Phòng Karaoke vi tính". Tôi hồi hộp đưa tay gõ cửa khẽ khàng rồi chờ đợi nỗi vui mừng ập đến. Cánh cửa bật mở, âm thanh xập xình với giọng hát ồm ồm tuôn ra cùng lúc với cô gái xinh xắn hớt tóc tém, quần áo khêu gợi, mặt dày son phấn nhìn tôi dò xét. Trời ơi! Chị Thưa của tôi đây sao? Phép lạ nào đã thay đổi chị Thưa xinh đẹp hiền lành nhân hậu thành cô Ngọc Ánh mắt xanh mỏ đỏ, tay chân đầy móng vuốt ? Trong lúc tôi đang hoang mang dao động thì chị vẫn vô tình nhoẻn miệng cười duyên như chị thường làm chiều khách:
- Anh thông cảm, em đang tiếp các sếp trên huyện.
Tôi định cất tiếng gọi chị thì chị tỏ lời an ủi:
- Đừng buồn! Tối trở lại em sẽ lấy giá mềm hơn.
Nói xong, cánh cửa khép kín, chị khuất hẳn sau lớp kính mờ để lại trong tôi một nỗi buồn thăm thẳm.
Rời nhà chị Thưa, tôi lầm lũi đến bến đò ngày trước. Nhìn lại ngôi nhà của cô mà tim tôi đau nhói. Cô tôi mất cách đây năm năm. Ngày cô mất, ba tôi có về chịu tang. Riêng tôi, lúc ấy đang bận kỳ thi tốt nghiệp. Ngôi nhà từ đó thay đổi chủ. Bến đò Trường Thi bây giờ cỏ dại um tùm, phủ dày lau trắng. Cảnh cũ hoang vắng tiêu điều.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm!
Tôi đứng vào vị trí mà chị Thưa đã đứng tiễn tôi ngày xưa, lặng lẽ nhìn quãng sông chiều vỡ vụn ánh hoàng hôn. Hình như có tiếng gọi đò văng vẳng mơ hồ vọng về từ trong thẳm sâu ký ức.
Hết