Diễn Đàn Thi Thơ

Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Trấn Tường Thi Tuyển


    Bài Phỏng Vấn Rất Hay... Xin Đừng Bỏ Qua!!!!

    UtKhen
    UtKhen
    Admin


    Posts : 1103
    Join date : 2011-07-19
    Age : 55

     Bài Phỏng Vấn Rất Hay... Xin Đừng Bỏ Qua!!!! Empty Bài Phỏng Vấn Rất Hay... Xin Đừng Bỏ Qua!!!!

    Post  UtKhen Sun May 20, 2012 2:13 am

    Chuyện của một người tù làm lại cuộc đời...
    Xin vui lòng đọc đến hết đoạn cuối.


    Tami LiênTâm

    In God's hand is the life of every living thing and the breath of all mankind.
    ~ (Job 12:10)

    WESTMINSTER (NV) - Hai bàn tay đặt trên bàn, các ngón xòe ra trước mặt, vỗ nhẹ vào nhau, Tùng Nguyễn cố ngăn những giọt nước mắt đang chực chờ nơi khóe mắt, “Em không ngờ em được đi về.Em không ngờ chị.” Tùng nói, miệng cười, cái đầu lắc lắc như vẫn không thể tin được sự thật.
    Tùng là một người may mắn. Mang bản án 25 năm đến chung thân vì tội giết người cấp độ 1, Tùng được Thống Ðốc Jerry Brown ký lệnh tha ngay lập tức sau mới có 18 năm thi hành án.
    Thời gian 18 năm trong tù, đã dài hơn thời gian 16 năm Tùng sống ở ngoài đời trước đó. Như nhiều thiếu niên khác, đường vào tù của Tùng là qua băng đảng, và hành động giết người là của người khác trong băng đảng mà Tùng phải chịu trách nhiệm liên đới.
    Suốt 5 giờ đồng hồ, tại tòa soạn báo Người Việt, Tùng Nguyễn kể lại câu chuyện của mình, vừa như một sự đồng cảm, chia sẻ và cũng là gợi lên một bài học cho những người đang bước trên con đường như Tùng đã từng qua.

    16 tuổi và bản án “giết người cấp độ 1”

    Năm nay 34 tuổi, nhưng Tùng Nguyễn có cách nói chuyện và biểu lộ cảm xúc khác với những người đàn ông cùng tuổi. Bên ngoài vẻ “bụi bặm” do lăn lộn trong tù, ở Tùng dường như vẫn còn sót lại chút ngây ngô, hồn nhiên, dễ xúc động của tuổi 16, tuổi Tùng để lại bên ngoài cánh cửa nhà tù, từ 18 năm trước.
    “Em theo ba mẹ sang Mỹ lúc khoảng 14, 15 tuổi. Biết gia đình nghèo, ba mẹ vừa nhận tiền trợ cấp, vừa phải đi lượm lon. Nên em cũng biết suy nghĩ là phải cố gắng học và phụ giúp ba mẹ.” Tùng quay ngược thời gian để bắt đầu câu chuyện.
    Tuy nhiên, lúc vào trường, thấy bạn bè có cái này cái kia mà mình không có được vì bố mẹ không có tiền, Tùng nghĩ, “Tự mình đi tìm cho mình.”
    Thế là Tùng theo bạn bè đi cắp vặt trong những khu shopping. Thú vui phá phách cùng chúng bạn tự lúc nào cứ lôi cuốn Tùng, “em tệ đi lúc nào em cũng không biết luôn.” Rồi Tùng đánh lộn, bị đuổi học.
    “Cách xử sự của nhà trường làm cho em có một lối nhìn khác. Từ đó em bất mãn, em không 'care' nữa.” Tùng kể tiếp bằng giọng thật trầm và thật buồn.
    Gia đình phải dọn nhà, chuyển chỗ ở để tìm trường học khác cho Tùng, mà không hề hay biết “ba drop em ở cổng trước, thì em chạy ra cổng sau trốn đi chơi mất tiêu.”
    Ở nơi mới, Tùng làm quen với hai người bạn trai lớn tuổi hơn Tùng. Họ đưa Tùng đi chơi, những quán cà phê, “chỉ làm cái này cái kia.”
    Cho đến một ngày năm 1993, Tùng xin ba mẹ theo họ đi chơi nhân tuần nghỉ Spring Break.
    Ðêm đó, lúc đang ngủ, Tùng được người bạn đánh thức để “đi xử mấy thằng này vì nó hăm dọa tao.”
    Rút theo con dao có sẵn trong bếp để thủ, “phòng khi tụi kia có dao có súng,” Tùng theo mọi người đến một motel ở gần góc đường Beach và Garden Grove, “nơi phe kia đang ở.”
    Tùng làm nhiệm vụ khống chế một người ngay cửa của motel. Hai người bạn của Tùng vào bên trong. Sau một hồi nghe họ cãi vã, Tùng nghe tiếng hai người bạn mình, người này hỏi người kia, “Sao mày đâm nó?”
    “Khi đó trong đầu em kêu lên 'Oh my God,' sao lại đâm? Em chỉ muốn rời khỏi nơi đó ngay lập tức, nhưng em không thể đi được.” Tùng nhớ lại. Tùng không muốn bị mang tiếng là “đồ bỏ anh em, đồ chết nhát.”
    Xe của bọn Tùng vừa rời khỏi motel chưa đầy 10 phút đã bị cảnh sát chặn bắt.
    “Lúc về đến trạm cảnh sát Garden Grove, em chỉ nghĩ rằng cao lắm là ăn cái tội đâm người ta do thằng bạn gây ra thôi chứ không biết điều gì đã xảy ra.” Tùng tiếp tục.
    Tuy nhiên, cậu học trò 16 tuổi khi đó thực sự chết điếng khi nghe cảnh sát cho biết người thanh niên Việt Nam bị bạn Tùng đâm vào đùi đã chết do đứt động mạch và mất máu.
    Theo lời Tùng, khi đó, vì Tùng mới 16 tuổi, Tùng được đưa vào tạm giam ở Juvenile Hall, nơi dành cho trẻ vị thành niên, nhưng lại phải “đi tòa người lớn.”
    Tùng kể tiếp, “Em còn nhớ ngày mà bồi thẩm đoàn đọc bản luận tội, em ngồi mà nước mắt cứ rớt, chỉ khóc thôi chứ không biết làm gì hết. Em khóc mà cũng không biết là mình khóc. Em bị chết lặng luôn.”
    Một người bạn của Tùng bị kết án chung thân không được xét tha (life without parole), Tùng và người bạn còn lại bị án 25 năm đến chung thân. Ðiều này có nghĩa là Tùng mang bản án chung thân, và nếu được xét thả sớm cũng phải ở tù tối thiểu là 25 năm.
    Hy vọng kế tiếp của Tùng là được đi tù C.Y.A, tù dành cho trẻ vị thành niên, đến 25 tuổi sẽ được về nhà. Nhưng điều oái oăm là cũng ngày hôm đó, Tùng đã đánh “một thằng Korean vì nó nói nói bậy, xúc phạm đến mẹ em.”
    Vì điều này, Tùng bị đưa thẳng lên “tù lớn” với bản án không đổi là 25 năm đến chung thân, kèm theo đó là bị đưa luôn vào nhà tù trong tình trạng “canh phòng tối đa” dành cho những người tội nặng nhất. Tùng nói kèm theo cái lắc đầu và tiếng thở dài.

    Cứu mình, cứu người

    Tùng nằm tù ở San Quentin, nhà tù khét tiếng của California. Cuộc sống thường nhật của một người tù cứ sáng mở mắt ra, nếu không đi làm, đi học, thì cứ việc ra sân ngồi tán dóc, “xạo qua xạo lại,” cho đến hết giờ thì lại bị nhốt vào phòng, cứ đều đều trôi qua từ khi Tùng 16 tuổi mãi cho đến... 12 năm sau.
    “Một buổi em ngồi ngoài yard nhìn mọi người, em chợt nghĩ wow, nếu mình không thay đổi, mình cứ ngày này qua tháng khác như vậy hoài, rồi mình sẽ chết trong tù, không có ích lợi gì hết. Em nghĩ nếu muốn đi về thì phải làm cái gì khác đi.” Nghĩ vậy và Tùng tự mình bắt đầu thay đổi cuộc đời mình.
    Tùng mượn sách của những người đến trường để tự học lấy bằng tốt nghiệp high school, rồi Tùng tự học đánh piano, guitar, học đánh máy, vi tính, và lấy luôn bằng Associate 2 năm từ trong tù.
    Tùng tâm sự, “Em làm cho cuộc sống mình trở nên bận rộn, từ lúc họ mở cửa cho ra đến tối em mới trở lại về phòng. Càng học, em càng thấy mình có nhiều năng khiếu. Em đi đàn trong nhà thờ, phụ làm việc trong những văn phòng trong đó.”
    “Càng học, càng tìm hiểu, con người em dường như càng lúc càng trở nên cởi mở, hoạt bát hơn.” Tùng tự nhận xét.
    Một hôm, có một nhóm thiện nguyện viên bên ngoài tới trình diễn văn nghệ cho tù. Tùng được giao sắp xếp chỗ, giữ trật tự cho buổi diễn.
    Văn nghệ đang diễn ra, bỗng hai băng đảng trong tù cự nự, xông vào đánh nhau. Gác tù rần rần chạy tới, đám văn nghệ sĩ hoảng loạn.
    Tùng và nhóm trật tự bắt đầu dọn đường, bảo vệ cho nhóm 50 người thường dân này ra ngoài an toàn.
    Câu chuyện qua đi, Tùng cũng quên. “Chuyện rất là bình thường, em không nhớ gì hết,” Tùng kể.
    Nhưng tới khi Tùng ra gặp Hội Ðồng Tha Sớm Board of Parole, người chỉ huy nhóm gác hôm đó tự động đưa cho mỗi người trong nhóm trật tự một bức thư do chính tay ông viết, đề nghị cho được tạm tha do hành động của họ trong đêm văn nghệ.
    Với bức thư đó, Hội Ðồng bỏ phiếu chấp thuận cho Tùng được tha sớm, và định ngày thả Tùng là tháng 8 năm 2023.

    Tha còn sớm hơn nữa

    Nếu ngày “tha sớm” của Tùng là năm 2023, vậy tại sao năm nay 2011 Tùng đã ngồi trong tòa soạn Người Việt?
    Ðề nghị tha sớm của Hội Ðồng được chuyển lên cho Thống Ðốc Jerry Brown phê duyệt. Tại đây, sau khi xét hồ sơ của Tùng, không những ông đồng ý cho tha sớm, ông còn dời ngày tha lên tới “ngay lập tức.” Thống Ðốc Brown cho rằng “ở tuổi 16, Tùng đã bị lôi kéo vào các hành động tội phạm của người lớn.”
    Lệnh tha ngay lập tức được báo lại cho Tùng vào ngày 1 tháng 4, 2010. Ngày Cá Tháng Tư. “Em nghe, không tin được, gần xỉu luôn,” Tùng cười, nhớ lại. “Hôm đó ngày Cá Tháng Tư, em vẫn cứ tưởng người ta giỡn, cho tới khi em ra khỏi tù.”

    Những bước chân đầu tiên ngoài nhà tù

    Thoát khỏi bản án của kẻ giết người, Tùng ra khỏi San Quentin để vào tù của Sở Di Trú tại San Francisco. “Chờ ngày trục xuất về Việt Nam,” Tùng kể, vì khi bị bắt Tùng chưa có quốc tịch Mỹ. Tùng bị giam trong thời hạn 90 ngày để chờ Việt Nam nhận về.
    Ðã chuẩn bị sẵn tinh thần ở tù tiếp 3 tháng nữa để rồi sau đó được hưởng không khí tự do, nhưng chỉ mới 13 ngày sau, Tùng được mời lên và được thông báo sẽ được thả ngay. Họ nói, “Thống đốc đã ký lệnh thả ông thì chúng tôi không có lý do gì tiếp tục giữ ông ở lại tù INS. Hãy gọi gia đình lên chở về.”
    “Em lại bị sốc. Trời đất ơi!” Tùng cười rất tươi.
    Gia đình Tùng cũng không thể ngờ tin này. Mẹ Tùng kể lại với báo Người Việt, “Tôi đang đi làm ở hãng, nghe điện thoại của con gái tôi báo rằng thằng Tùng được thả, tôi nhảy lên, hét lên và xin nghỉ việc về nhà để cùng thằng út đi đón nó liền.”
    Bà nói lại một cách xúc động, “Tôi từng nghĩ con mình không có ngày về. Bởi những người có án chung thân thì sự ân xá, tha ra sao mà xa xăm quá!”
    Còn ba Tùng, ngay trong ngày nhận tin Tùng được ra tù, ông đã “xuống tóc” để cảm ơn trời đất.
    “18 năm, em không thể nào ngờ được giây phút đó.” Tùng đưa tay lên quẹt nhanh những giọt nước mắt.
    Nếu suốt một tuần đầu Tùng không thể nào ngủ được bởi em cứ như sống lơ lửng giữa không trung, thì cũng suốt tuần lễ đó mẹ Tùng không thể nào ăn được.
    “Tôi đứng trong bếp nhìn ra sân, nơi Tùng và ba nó ngồi nói chuyện, mà cứ tưởng như trong mơ.” Mẹ Tùng nói.
    Tùng chia sẻ cảm xúc của một người mà thời gian tù dài hơn tuổi anh từng sống ngoài đời: “Em giống như đi trên 'air' đó. Em ngủ không được. Tuần đầu tiên là không ngủ. Mấy tuần sau khoảng 3, 4 giờ sáng mới ngủ. Chỉ nằm vậy thôi, không nghĩ gì. Im lặng em không ngủ được, tắt đèn em ngủ không được. Vì bao nhiêu năm nay em ngủ trong tù nó ồn, nó sáng, và em 'feel' được cái ngộp.”
    “Bây giờ ra đây cứ đến những chỗ đông, hay khi ngủ mở mắt ra thấy tối hù là em thấy ngộp, thấy muốn bị ói,” Tùng nói tiếp.
    Cũng trong tuần đầu Tùng không ăn được, “Mẹ kêu ăn cái gì cũng không ăn được, đi tiệm cũng không ăn được.”
    Tùng giải thích lý do có thể khiến người khác chùng lòng, “Vì ngày xưa đến giờ em không có được sự chọn lựa, em không được chọn, người ta đưa đến và em lấy, vậy thôi. Cho nên giờ kêu em chọn, em không làm được. Mười mấy năm trời em không có cái đó cho nên...”
    Vào tiệm phở, người ta đưa “menu” ra, Tùng chỉ biết chỉ đại vào một món. Khi tô phở được mang ra, Tùng nhìn tô phở, và “Em xin người ta cái nĩa, em ăn phở bằng nĩa, vì lâu rồi lâu không cầm đũa được.” Tùng lại cười, nụ cười xao xác.
    Tùng cảm thấy có rất nhiều điều xa lạ, sợ hãi với thế giới bên ngoài, mà điều Tùng sợ nhất, lại là “sợ người ta.”
    Tùng tâm sự, “Em vô tù lúc em 16 tuổi, rồi nó 'stop right there' em đâu còn biết gì nữa. Em lớn lên trong tù, giờ ra đây, em phải 'reconnect' lại từ lúc em 16 tuổi, nhiều khi tính tình em có khác, nhưng những hiểu biết về mọi thứ xung quanh hình như cũng là một đứa 16, 17 tuổi.”
    “Không bao giờ em đi đến chỗ đông người một mình. Chỉ một lần duy nhất em đón xe bus đi thử, đi một mình. Nhưng vừa lên xe, em cảm thấy ngộp và cảm thấy tủi thân. Thế là em xuống xe liền ở trạm kế.” Tùng kể.
    Ra tù, Tùng ấp ủ nhiều ước mơ, những ước mơ mà những người đã ở tù lâu, mười mấy hai mươi năm trở lên đều có, đó là muốn làm điều gì đó giúp cho những người khác tránh giẫm vô bước chân mình đã bước qua.

    Bơ vơ không việc làm

    Sau những cảm xúc sung sướng của những ngày đầu tiên ra tù, điều mà những người như Tùng phải đối diện một cách khắc nghiệt nhất chính là đi tìm việc làm.
    Tùng cho biết bao nhiêu đơn xin việc gửi đi đều không thấy trả lời. Có ai dám mạnh dạn nhận một người mới ra tù vào làm việc không?
    Trong một lúc tình cờ, Tùng đọc báo thấy một tiệm dry clean cần người giúp. “Em gọi đến xin, nói rằng em từng học nghề này nhưng chưa bao giờ đi làm.”
    Ông Nguyên Vũ chủ tiệm gọi Tùng đến thử việc. Cũng trong ngày thử việc đầu tiên đó, Tùng đã nói cho người chủ biết mình vừa mới ra tù.
    “Rất là may mắn, ảnh nói ảnh không quan tâm, miễn là em làm được việc,” Tùng kể.
    Ông Nguyên Vũ nói với báo Người Việt một cách đơn giản, “Thực tình tôi chỉ cần người biết làm việc, chứ không quan tâm đến quá khứ của họ.”
    “Nếu hỏi tôi có nghĩ gì khi nhận Tùng không thì thực là tôi không nghĩ gì hết, tôi coi Tùng như em mình. Thanh niên mà, ai không từng có những lầm lỡ. Và người đời thường trông vào lỗi lầm đó để nhìn họ bằng con mắt khác,” ông Nguyên nói tiếp.
    Có lẽ, ông Nguyên cũng như cửa tiệm gia đình anh đã không thể ngờ rằng, thái độ tin tưởng chấp nhận một người như Tùng vào làm việc, có ý nghĩa lớn lao với Tùng như thế nào.
    “Tụi em chẳng khác gì những người thuộc tận cùng xã hội. Em chỉ cảm thấy có lại được sự tự tin là do những người như anh Nguyên mang lại.” Tùng nói một cách xúc động.
    Hiện tại, Tùng Nguyễn đang ấp ủ nhiều ước mơ, được đi học đại học, được tham gia vào những dự án giúp đỡ cho những người tù chung thân có được ngày tạm tha (parole date), được chia sẻ những kinh nghiệm cay đắng của mình cho những thanh thiếu niên sẽ, đang, đã bước vào con đường như Tùng.
    Tùng nhắc lại lời mình nói với người “parole officer”: “Em nói với ổng, bây giờ em không chỉ sống cho một mình em mà em sống cho cả người đã chết trong vụ án của em, dù em không phải là người làm ảnh chết. Ảnh chết khi mới 19 tuổi thôi, mất hết tương lai, mất tất cả những gì ảnh chưa kịp có. Khi đó em cũng không còn gì, cũng mất hết.”
    Ngừng lại vài giây, Tùng nói tiếp, “Nhưng bây giờ, em được ra ngoài, em sống cho cả ảnh, bởi cái gì em có ngày hôm nay ảnh không có, ba mẹ ảnh không có.”
    Ngọc Lan/Người Việt

    LS Andrew Ðỗ: ‘Ði băng đảng, không thể nói là không biết gì’

    LTS: Ðề tài thiếu niên gốc Việt vô băng đảng và bị truy tố vì hành vi của người khác dẫn tới nhiều thư độc giả tỏ vẻ quan tâm cũng như đưa ra nhiều thắc mắc. Phóng viên Ngọc Lan báo Người Việt nói chuyện với Luật Sư Andrew Ðỗ để giải tỏa những thắc mắc này.
    Luật Sư Andrew Ðỗ là một cựu luật sư biện hộ công, và cũng là cựu phó biện lý quận Cam. Ông từng là nghị viên thành phố Garden Grove. Hiện nay ông làm luật sư trong tổ hợp Briggs Alexander ở thành phố Anaheim.
    Trong bài phỏng vấn, Luật Sư Andrew Ðỗ nói về luật hình sự của California liên quan tới băng đảng đồng thời cho ý kiến cá nhân về những gì có thể làm để giúp người trẻ không vào băng đảng, không chỉ từ phía gia đình, mà cả từ phía cộng đồng.

    Criminal gang không phải là một nhóm chỉ gặp nhau để uống trà!

    Ngọc Lan (NV): Xin luật sư cho biết, theo luật, “gang” băng đảng được định nghĩa như thế nào?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: “Gang” được định nghĩa là những người đứng chung lại để làm những chuyện không hợp pháp nhằm giúp cho sự vững mạnh (in furtherance of) của băng đảng. Mà furtherance là cái làm sao để giúp cho tên tuổi, cho sự nổi tiếng của băng đảng đó, từ chuyện lời tiền bạc, hay làm cho có tên tuổi... Nó gồm nhiều thứ. Rất ít ai đứng ra “build up” một băng nhóm rồi không làm chuyện gì hết. Ðiều đó nghe không hợp lý. Khi người ta không có lợi gì hết thì họ lập ra để làm gì.
    Theo định nghĩa của luật hình sự về “gang” thì nó phải có từ hai hành động tội ác trở lên nhằm giúp cho sự tồn tại vững mạnh của băng nhóm đó.
    Nếu họ chỉ mặc quần áo giống nhau, cho giống như những “tough guy” và không làm gì hết thì không phải là “criminal gang” theo định nghĩa của luật pháp.
    Khi đã biết nhóm đó là một “criminal gang,” tức đã có ít nhất hai hành động phạm tội, thì mình tham gia vô, mình phải biết đó không phải là một nhóm bình thường chỉ gặp nhau để uống trà!
    NV: Khi đã là thành viên của một băng đảng, cùng đi thực hiện một vụ, thì có phải mọi người trong nhóm đó, dù là người cầm súng bắn, hay người lái xe chở cả bọn đi, cũng đều bị kết tội như nhau không?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Bị tội như nhau. Khi một nhóm cùng thực hiện một vụ như bắn nhau thì tất cả thành viên tham gia trong vụ đó đều bị tội như nhau. Ðương nhiên bao giờ biện lý cũng coi người bắn là người tội nặng nhất, và họ xem tội những người kia nhẹ hơn nhiều hay nhẹ hơn ít, nhưng phần đông thì chỉ nhẹ hơn một phần thôi.
    NV: Xin luật sư giải thích rõ hơn tại sao lại bị ngang như nhau.
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Trong “gang” có một yếu tố tâm lý là, nếu một người đứng một mình thì chưa chắc đã dám làm điều gì. Nhưng khi họ đứng chung với nhau, người này nói người kia thì nó cảm thấy có sức mạnh hơn, rồi từ đó tiến tới chuyện đi xa hơn. Một người đứng một mình thì chưa chắc đã có can đảm đánh nhau, bắn nhau, hay cãi nhau với người khác. Thành ra luật phải trừng phạt luôn cái “mentality” đó chứ không phải chỉ tập trung vào cái “act” không thôi.
    Nếu mình không xem vấn đề ràng buộc này là một “mentality” của băng đảng thì sẽ có nhiều trường hợp, như cách đây 20, 30 năm, khi Á Ðông, Á Châu, Nam Mỹ đến đây nhiều, họ dùng những đứa trẻ để phạm tội, vì họ biết rằng lúc đó những trẻ em dưới tuổi vị thành niên không bị phạt nặng. Thành ra tự nhiên trong thời gian đó số trẻ em 13, 14 tuổi đi ra bắn người ta tăng lên, rồi chỉ bị xử theo luật dành cho thiếu niên thôi. Ðiều đó không hợp lý.
    Do đó phải suy nghĩ lại lối tụi “gang” tổ chức, sắp đặt.
    Trở lại với trẻ em trong cộng đồng mình, dù cho nó không có người khác lớn tuổi để mà lợi dụng nhưng nếu đã ở trong một “criminal gang” tức là nhóm đó đã phạm tội ít nhất 2 lần, cho dù bất cứ người nào trong băng đảng đó thực hiện, để mà “in furtherance” cho cái gang đó, thì khi bị buộc tội, đương nhiên không phải tất cả mọi người đều bị buộc tội, nhưng nó cho lối nhìn về cái tội đó, về sự tham gia, chứ không còn được xem như “à, cậu không biết what's going on à”. Nếu mình ở trong nhóm đó thì khó mà giải thích là làm sao mình lại không biết chuyện gì xảy ra.
    NV: Nhiều độc giả đặt câu hỏi, “Tại sao người này làm mà người kia cũng bị tội theo?” Ðiều đó có hợp lý không?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Luật nói rằng nếu mình đồng ý tham gia như một người chủ mưu (conspirator) hay là một người cộng tác (associate), dùng theo term của gang, thì mình đều phạm tội chung với điều đó. Tại sao? Vì luật không muốn chỉ phạt một người, tất cả những việc làm của mọi người trong băng nhóm là giúp cho cả “gang” chứ không phải giúp cho mỗi mình người đó.
    Ví dụ 10 người đi tới tham gia một vụ, nhưng mỗi lần bắn thì chỉ một đứa bắn thôi chứ đâu cần 10 đứa bắn một lúc. Nhưng chuyện bắn đó giúp hết tất cả mọi người trong băng đảng đó.
    NV: Một số độc giả không hiểu sự khác nhau giữa băng đảng với các nhóm khác, nhất là khi bị gọi là băng đảng thì một người làm mấy người khác phải chịu. Thí dụ, một nhóm hướng đạo, mà vài hướng đạo sinh lại đi ăn cắp tiền mang về cho nhóm, cái đó có phải băng đảng không?

    Luật sư Andrew Đỗ: Về chi tiết thì phải đọc kỹ luật về băng đảng, nhưng tạm trả lời, trong thí dụ đó, hành vi phạm pháp không phải là một mục tiêu chính của nhóm. Trong thí dụ này, có một vài thành viên tự ý đi phạm luật, nên nhóm không phải là 'criminal gang.'
    NV: Nghe câu chuyện của Khôi Quách đăng trên báo Người Việt, nhiều độc giả cảm thấy chuyện Khôi bị bắt và bị buộc tội trong khi Khôi chỉ lái xe, vì như Khôi nói là “em không làm gì hết”. Luật sư vui lòng giải thích vấn đề này.
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Người phạm tội hay bị buộc tội luôn muốn bảo vệ cho họ, hay vì họ không muốn làm buồn gia đình, nên họ kể lại không đúng như những gì xảy ra. Nhiều khi vấn đề trở nên rất quan trọng ở những điều nhỏ thôi nhưng có thể làm cho tội nặng lên rất nhiều. Mà ngay cả người trẻ em đó chưa chắc gì đã hiểu được mỗi một việc nhỏ đó thôi cũng đã tăng tội thành nặng hay nhẹ rất nhiều.
    Lấy ví dụ, lái xe chở một người khác đi phạm tội. Nếu chỉ nói tôi chở người đó trên xe đi đến nơi đó, và tôi không biết chuyện gì xảy ra trong đó, thì no problem. Nhưng nếu bây giờ tôi chở người đó đi, tôi ngồi trong xe, nhưng tôi biết anh vào đó để đánh người trong kia thì chuyện đã hoàn toàn khác nhau.
    Nặng hơn nữa, nếu mình biết trong quá khứ người mà mình chở đi đã có nhiều lần đánh nhau có dùng vũ khí, nên khi mình chở người đó đi đến chỗ để đánh nhau, trong đầu mình đã phải suy nghĩ là đây đâu phải là người chưa bao giờ dùng vũ khí đâu. Cho nên, nếu chuyện xảy ra và tăng lên thành hai bên dùng vũ khí và có người bị chết thì mình không thể nói là tôi hoàn toàn không biết gì đến chuyện đó.
    Cho nên nhiều khi chỉ thay đổi một chút trong những dữ kiện đó thôi cũng làm cho chuyện thay đổi rất nhiều.
    NV: Như vậy có nghĩa là đừng vội kết luận vấn đề vô lý hay có lý khi chỉ nghe qua lời kể?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Muốn nói cho rõ ràng về luật pháp thì mình phải tự hỏi là mình đang nói chuyện về cái gì, bằng chứng nó như thế nào. Chứ chỉ nghe là em đó nói là không làm gì hết thì tại sao lại bị như vậy thì khó trả lời lắm.
    Trong thời gian gần 4 năm làm “public defender,” tôi có bao nhiêu ngàn thân chủ, nhưng rất ít người ngồi xuống nói “tôi phạm tội như thế này,” hay là “em có làm cái này, em có làm cái đó”. Không có! Phần đông là người ta sẽ dẫn giải, hay chối bỏ, hay dù cho có làm thì cũng đưa lý do “tôi làm vì cái này là vì cái kia,” “tôi không biết cái này, tôi không biết cái kia...”
    Mình cũng không biết được cho đến khi nào mình có bằng chứng thì mình mới nói “nếu anh nói không biết thì tại có cái này, tại sao có cuộc gọi điện thoại lúc kia, tại sao lại đồng ý đi tới đó...” Có nhiều thứ lắm.
    Cộng đồng cần hiểu rằng chúng ta chỉ có thể nói chung về luật pháp thôi chứ trong từng vụ một thì họ phải tìm hiểu cho đúng bằng chứng trước khi gọi là có những thắc mắc về luật pháp.
    Ngay cả khi tôi ngồi trong văn phòng luật sư, trừ vụ của tôi ra, trừ những nhân chứng, bằng chứng của tôi ra, tôi cũng không dám nói về một vụ nào hết, bởi có những dữ kiện tuy là nhỏ nhưng lại có giá trị rất lớn mà mình không biết, mà phải là người trong cuộc họ mới biết được, mà đôi khi đến cả người trong cuộc còn không biết nữa nói chi là những người bên ngoài.
    NV: Trường hợp một người bị bắt mà hơn 2 năm rưỡi chưa có bản án thì điều đó có là bình thường không?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Có. Trong những trường hợp người bị buộc tội phải đối diện với bản án chung thân thì người luật sư bên biện hộ muốn có thêm nhiều thì giờ để điều tra. Một là về vụ buộc tội đó, họ cần phải biết. Quan trọng hơn nữa là về cái án. Ví dụ em đó thua ở tòa rồi thì đến lúc tòa sẽ có những cái lựa chọn. Họ phải sửa soạn để trình bày là trường hợp của em đó như thế nào, đời sống ngày xưa như thế nào, bị ảnh hưởng chiến tranh làm sao, những điều gì thúc đẩy cho em đó đến đường này hôm nay chứ em không phải là người xấu như vậy... Nhiều thứ lắm. Những thứ đó cần nhiều thì giờ để làm, cũng như có nhiều cách thức mà người luật sư muốn dùng.
    Thành ra việc kéo dài thời gian đến 3, 4 năm là chuyện bình thường.
    NV: Một số phụ huynh nói họ thấy con họ có dấu hiệu theo băng đảng nhưng không có chứng cứ. Vậy có thể nhờ ai can thiệp, giúp đỡ để giữ chân con họ ở nhà được không?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Ðó là trách nhiệm của phụ huynh thôi, mỗi người phải tự tìm hiểu lấy chứ hỏi có cách nào giữ chân nó lại thì khó lắm, phải giữ làm sao?
    Tôi chỉ có thể nói nếu muốn cho con em mình hòa hợp được với xã hội bên này, vấn đề hướng dẫn các em phải bắt đầu sớm lắm, đừng đợi lên tới trung học.
    Tôi không phải là chuyên gia về vấn đề này, tôi chỉ nói bằng kinh nghiệm cá nhân rằng cơ hội mình có thể “giữ chân nó” chỉ có thể mình là “a part of their lives”. Mình phải hướng dẫn các em vào một việc gì đó, chơi hay làm một cái gì các em thích, khuyến khích thúc đẩy các em, cho các em làm như một thú vui hobby chứ không phải chỉ đi học từ sáng đến tối. Tôi tin là em nào giỏi trên lớp là tự động em học thôi chứ không cần ai thúc đẩy hết.
    Còn nếu em nào có sở thích khác thì phụ huynh phải tìm hiểu sở thích của em là gì để hướng dẫn các em cho đúng.

    Giúp con, đừng ép con thành đạt

    NV: Theo thống kê, số thanh thiếu niên Á Châu, trong đó có Việt Nam, ở tù ngày càng đông. Luật sư nghĩ gì về vấn đề này?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Chuyện một đứa trẻ phạm tội có liên quan đến vấn đề xã hội quanh nó nhiều lắm.
    Tôi chia sẻ bằng kinh nghiệm cá nhân mình. Một trong những đặc điểm mà tôi thấy có hại cho cộng đồng mình là cộng đồng mình chú trọng bề ngoài quá.
    Mình đặt nặng cái Mercedes quá. Mình đặt nặng chuyện ép con lúc nào cũng phải học giỏi để vào Harvard thì mới có thể thành công. Mình tạo ra những cái nhìn không thực tế làm cho các em chán nản.
    Mình phải hiểu rằng, trong bất kỳ xã hội nào, chỉ có một số nhỏ là thành công chứ không phải là số đông. Nếu tất cả đều vào Harvard thì Harvard chẳng còn là Harvard nữa.
    Các em bị áp lực từ bố mẹ đưa xuống, “con phải thành công, con phải thế này, con phải thế nọ.” Nhưng hãy tự hỏi bố mẹ đã làm gì để cho các con mình cảm thấy nó thuộc về xã hội này?
    NV: Như vậy, nguyên nhân đầu tiên hướng các em đến con đường băng đảng phạm pháp bắt nguồn từ sự áp đặt của cha mẹ, của gia đình?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Một thông điệp mà phụ huynh cần biết là ở Mỹ này, giỏi cách gì, bằng nghề gì, cũng có thể làm ra tiền được hết. Không nhất thiết phải vào trường đại học thì mới là giỏi và mới có thể kiếm tiền.
    Muốn nói đến chuyện giúp cho các em tránh qua những vấn đề băng đảng trước hết phải thay đổi suy nghĩ của phụ huynh. Ðừng nghĩ đến giải pháp con mình phải học điểm A hay nó phải lên đại học thì nó mới thành công. Ðây là những suy nghĩ đã lỗi thời lắm rồi. Ở Việt Nam thì suy nghĩ đó có thể đúng nhưng qua Mỹ thì hoàn toàn không đúng. Nhưng điều đáng buồn là phụ huynh cứ giữ nếp nghĩ đó.
    Mình phải biết tội nghiệp cho các em. Nếu phụ huynh không thông cảm cho đời sống hằng ngày của nó, cho sự cô đơn, cho những vấn đề hằng ngày nó phải đối diện ở trường lớp, bạn bè thì sẽ không thể nào giúp được nó, nhất là với con trai.
    Suy nghĩ của tôi là ba má mình ích kỷ lắm. Nói sự thật nghe thật buồn nhưng mà họ ích kỷ, họ chỉ biết nghĩ về họ thôi.
    Nếu họ ngồi xuống thành thật với nhau thì hãy tự hỏi trong một ngày, họ dùng bao nhiêu thì giờ cho con của họ, bao nhiêu phút để suy nghĩ về đời sống của các con mình? Ðợi đến lúc con phạm tội họ lo lắng thì mình không tính, vì lúc đó quá trễ rồi. Còn trước đó, có bao giờ họ ngồi xuống thắc mắc mình cần làm gì cho con mình sống vui hơn, phải làm cái này làm cái kia cho con? Hay là lúc nào cũng chỉ đòi hỏi, “ba mẹ muốn con học giỏi, ba mẹ muốn con làm thế này làm thế kia.”
    Quay đi quay lại lúc nào cũng thấy tranh đấu cái này tranh đấu cái nọ, rồi đi biểu tình này nọ rồi ngồi xuống nói chuyện gì không đâu. Chính cái ích kỷ đó làm cho con cháu mình bị thiệt thòi quá nhiều.
    Trong tất cả các nhóm mà tôi đã làm việc, dù là Á Ðông, Nhật, Tàu, Việt, Thái,... điều buồn nhất để nói là nhóm có nhiều khó khăn nhất trong việc xâm nhập vào đời sống của người bản xứ là Việt Nam, khó khăn hơn còn hơn cả Cambodia, hơn tất cả các sắc dân khác. Ðương nhiên bao giờ cũng có người làm được, nhưng trong tổng thể, cơ hội gặp người Ấn Ðộ, người Thái Lan làm được thì nhiều hơn là người Việt Nam.
    Hãy focus vào trẻ em thì sẽ thay đổi được đời sống của nhiều trẻ em lắm.
    “Một thông điệp mà phụ huynh cần biết là ở Mỹ này, giỏi cách gì, bằng nghề gì, cũng có thể làm ra tiền được hết.”Luật Sư Andrew Ðỗ.
    NV: Nói một cách cụ thể hơn, theo luật sư, phụ huynh cần làm gì để hướng con mình tránh xa cạm bẫy của băng đảng?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Theo tôi, điều giúp cho các em nhiều nhất chính là thông điệp này: “Con cứ làm cái gì mà con có thể phát triển sự đam mê của con, cái gì làm cho con vui mà con nghĩ là con thành công được thì cứ việc làm. Nên biết, nếu con không thành công, vẫn có bố mẹ ở đây giúp con.”
    Hãy cho con mình sự bảo đảm thì khi đó nó sẽ tiến tới. Ðừng làm cho nó nghĩ rằng nó “phải thành công, phải thành công.” Ðừng mang chuyện con người khác làm được cái này làm được cái kia về so sánh với con mình. Ðừng tạo ra một viễn ảnh, một mặt bằng mà con mình không bao giờ đạt tới được.
    Với thế hệ cha mẹ qua đây cực khổ nhưng cái cực khổ đó chỉ có khổ về vật chất. Không ai nhìn họ hồi qua đây khi đã ngoài bốn mươi tuổi mà hỏi “năm tới ông sẽ trở thành bác sĩ hay ông sẽ đạt được cái này cái kia,” hay ít ra họ cũng trải qua thời gian thơ mộng ở Việt Nam rồi.
    Còn nhìn chung quanh đời sống của một đứa trẻ ở đây thì sao? Cái tuổi 12, 13, 14 hồi xưa cha mẹ không phải tự hỏi “tôi nói tiếng Anh hay tiếng Việt có cái giọng ngọng không? Tôi trông có giống người khác không hay người khác có chấp nhận tôi không?” Nhưng đó là sự lo lắng mà các em đang mang. Ngay cả là người Việt Nam với nhau, nhưng mà Vietnamese của người này cũng khác người kia, hay nói ngược lại Americanize của đứa kia cũng khác đứa nọ. Thành ra thực sự các em có tìm được sự cảm thông không? Không có.
    Hãy hiểu nỗi cô đơn mà những đứa con mình có khi nó đến trường và ra ngoài xã hội. Hãy thực sự hiểu và thông cảm cho những điều mà các em phải tranh đấu mỗi ngày không hề dễ dàng chút nào hết.
    Làm sao để nó thấy nó thuộc về xã hội này khi mà trường có những sport event, social event,... mà chưa bao giờ bố mẹ đưa nó đến tham dự, hay nó đứng lủi thủi trong một góc vì những tụi khác không chơi với nó?
    Hãy tập trung vào các em thì sẽ thay đổi được đời sống của các em nhiều lắm. Khi đời sống các em vui vẻ, hạnh phúc hơn thì nó sẽ tránh được những chuyện như tham gia băng đảng.

    Cộng đồng phải thay đổi

    NV: Còn trách nhiệm của cộng đồng đối với các em thì sao, theo luật sư?
    Luật Sư Andrew Ðỗ: Cái buồn của tôi là không ai nói lên rằng các em rất tội nghiệp vì bị bao bọc trong suy nghĩ phải học giỏi thì mới thành công, mới có cuộc sống giàu có, và giàu có thì mới hạnh phúc.
    Cộng đồng mình phải tự hỏi là những thông điệp như thế mà mình cứ nhồi vào đầu các em thì có công bằng cho các em không? Có đúng cho các em không?
    Tôi tự hỏi có bao nhiêu bác sĩ, triệu phú quanh đây có hạnh phúc?
    Thành ra các em bị lúng túng, bối rối lắm. Tại sao vậy? Các em nhìn quanh cộng đồng mình và tự hỏi có bao nhiêu người lương thiện? Những người có trách nhiệm trong cộng đồng như bác sĩ, luật sư, những người lãnh đạo, những người được gọi là “role model” hãy tự hỏi họ có là tấm gương tốt cho các em không với lối làm ăn của họ, lối làm việc của họ? Nó tạo cho các em có cái nhìn “respectful of the law” hay luật chỉ là cách để họ tìm cách đi vòng kiếm lợi cho mình mà thôi?
    Tất nhiên có những người lương thiện, nhưng cái tiếc của mình là những người đó không được nhìn thấy.
    Các em bị một rào cản trong suy nghĩ là chỉ có những ai có tiền mới tạo được thành công, chứ không phải là anh có đạt được hết khả năng tiềm lực của mình không, có đạt được hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày không, anh có biết giúp đỡ người khác không.
    Ðừng đánh giá đứa trẻ qua những điều như có học đại học không, có tốt nghiệp không, mà phải hỏi đầu tiên nó có phải là người xấu hay không. Ðó là mục tiêu mà cộng đồng mình cần nghĩ tới. Các em phải là người tốt trước, rồi sau đó sẽ tìm thấy một nghề nghiệp nào đó thích hợp với nó thì các em đặt hết khả năng của mình vào đó thì các em sẽ thành công.
    Cách nhìn của cộng đồng mình còn rất giới hạn. Phải mở rộng tầm mắt, tầm nhìn sẽ thấy xã hội này có rất nhiều cơ hội dành cho mọi người. Trong xã hội này, khi mình đã do good job, cho dù bất cứ công việc gì thì đều có thể kiếm tiền được hết, không có job nào mình làm tốt mà mình không thể kiếm tiền được hết. Ngay cả nghề nails.
    Phải làm sao cho những đứa trẻ hiểu được rằng cộng đồng này hiểu được những nỗi cô đơn, những nỗi khó khăn của nó, cảm thông với nó, nó không có một mình. Ðôi khi chỉ cần có người thông cảm với mình là mình đã có thể đi xa lắm, bởi nó cho mình khả năng vượt qua sự thách thức của cuộc sống.
    * NV: Xin cám ơn Luật sư đã dànhcho Người Việt cuộc phỏng vấn này!
    _____
    NgocLan@nguoi-viet.com

      Current date/time is Mon Nov 25, 2024 9:10 pm