Gia tài tuổi 20
Lưu Quang Minh
Sinh nhật 20 của Nguyệt đã gần qua. Không nến, không hoa, không bánh kem… Một ngày lặng lẽ của nhịp sống thường ngày. Nguyệt hay buồn, nhưng cũng có sao. Buồn đến rồi buồn đi. Nàng nào có phải tiểu thư sống trong nhung lụa, được cưng chiều nâng niu. Nàng cũng lại chẳng đáng yêu như cô bé Lọ Lem trong câu chuyện cổ tích thời thơ bé. Mặc dù hoàn cảnh nàng giống Lọ Lem phần nào…
Ở tuổi Nguyệt, nhiều cô nàng mơ mộng đã kịp sắm cho mình một hai mối tình, dù mong manh dễ vỡ. Nàng không trách cha mẹ sao sinh nàng mà chẳng được bằng chị bằng em. Cha hằng ngày đạp xích lô, mỗi đêm trở về đưa mẹ được dăm ba chục ngàn. Ngày trước mẹ còn buôn bán lặt vặt ở chợ, sau này ốm o bệnh tật liên miên, dứt cơn này lại qua đợt khác. Thương con sớm tối ra vào, mẹ chỉ bâng quơ: con gái mẹ, cái nết đánh chết cái đẹp!
Ngày sinh nhật, ti vi phát chương trình chung kết thi Hoa hậu. Nhỏ Hương hàng xóm rủ nàng tối qua xem, chung kết rồi, sắp biết ai là người đẹp nhất nước mình rồi đó. Nàng ậm ừ. Tối qua nhà, Hương ríu rít: thấy người ta đẹp không? Mốt tao cũng đi thi, làm hoa hậu cho mày coi.
Hương đẹp nức tiếng ngõ này. Hai đứa bằng tuổi, hàng xóm thân nhau từ tấm bé. Ba Hương mất sớm, anh làm bác sĩ lấy vợ rồi ra riêng, lâu lâu má vẫn nhờ cha Nguyệt chở lên thăm dâu cháu.
Hương lấy trong túi ra đưa Nguyệt một lọ mỹ phẩm: anh bồ tặng nhưng tao dư nên không xài, với lại dạo này thấy chán quá, không muốn xài cái gì của người ta nữa. Nguyệt cầm cái lọ mà tay run run, không dám nhận, vội vàng trả lại. Hương bảo: không nhận giận luôn nha!
Hai đứa bật tivi, ngay bắt đầu. Các nàng xếp hàng, “trình diện” ban giám khảo. Hương chỉ trỏ, tấm tắc. Nguyệt xem, ai cũng rạng ngời, tự tin, duyên dáng…
Như đọc được ý nghĩ, Hương quay sang nàng: nói nghe nè Nguyệt, “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”.
Không biết là lời an ủi hay thiệt tình, Nguyệt cười gượng. Con nhỏ Hương hay ghê, nói gì cũng thấy chí lý, hùng hồn. Còn nàng, quê mùa, cục mịch, gái thành phố mà đi hơi xa một chút đã tù mù đường về. Nhà khó khăn, gắng học hết lớp mười rồi nàng ở nhà phụ mẹ. Giờ mẹ ốm, nàng thay mẹ bán bung, lặt vặt có được là bao. Đầu tắt mặt tối, thời gian chẳng đủ. Nhưng nhiều khi ngồi một mình nàng vẫn hay nghĩ ngợi, khi buồn, khi mơ mộng mông lung...
Tối đến nàng tựa cửa ngó qua nhà Hương, thấy trước cổng đã sẵn một chàng một xe tay ga bóng loáng, trực chờ rước nhỏ đi chơi hóng mát. Hương xí xọn hếch mũi, leo lên xe đi đến tối mịt mới về. Nhỏ say sưa kể chuyện chàng nọ chàng kia theo đuổi hẹn hò mình. Giọng Hương ngọt như đường phèn, đủ sức làm “chết” bao nhiêu gã trai si tình.
Hương sinh sau nàng một tháng. Sắp sửa lại đến sinh nhật Hương. Nhỏ thủ thỉ sinh nhật xong, bước vào tuổi 20 đẹp tuyệt, Hương sẽ làm một điều gì đó để “kỷ niệm” cái tuổi này. Làm gì, Nguyệt tò mò. Không biết, có lẽ là yêu thêm…15 chàng nữa, cho chẵn hai mươi? Hay sắm một anh bồ hơn mình… 20 tuổi? Nguyệt le lưỡi, nhỏ này suy nghĩ khùng thiệt! Hương cười khanh khách. Ý Hương là, đời mình chỉ 20 tuổi một lần thôi. Tích lũy cái gì ngồ ngộ, coi như một gia tài, thấy hay không Nguyệt?
Gia tài tuổi 20, cũng ngộ thiệt… Nguyệt đâm ngây ra như tượng. Hôm nay Nguyệt tròn 20 rồi. Nàng có gia tài nào không nhỉ.
Nhà Nguyệt thì làm gì có của cải gia tài nào đâu. Gia tài của Nguyệt – nàng trầm ngâm – phải chăng là...
Là làn da đen nhẻm, xù xì – không biết vì bẩm sinh hay do nắng mưa đem lại. Là mớ tóc rối bung, khô gãy. Là những đêm khuya thao thức, trăn trở những điều đáng ra không nên có trong cái đầu còn non nớt nghĩ suy. Là khuôn mặt hao gầy cha mẹ cho không thay đổi được. Là nỗi buồn dáo dác trong những buổi chiều hiu hắt nắng. Gia tài cũng kha khá đó chứ ta!
Mải nghĩ, Nguyệt giật bắn người khi nhỏ Hương đập mạnh vào tay. Nè, coi tiếp không kìa. Nàng ngước lên ti-vi, mấy cô sắp-hoa hậu còn đang lượn lờ, khoe sắc vóc. Nhiều vậy, nhưng rồi cũng chỉ một nàng đăng quang thôi. Nàng ta sẽ là đại diện, nét đẹp vẹn toàn của người con gái Việt Nam.
Và, gia tài của cô ấy: niềm tự hào, hãnh diện trước bao con mắt đổ dồn về mình đầy ngưỡng mộ. So với cô ấy, gia tài của Nguyệt mới nhỏ bé có là bao…
Hương nhăn mặt, chau mày: xấu, đâu đẹp đâu! Hương như một vị giám khảo khó tính đầy cực đoan. Sẽ chẳng ai bàn cãi. Vì sao ư? Hương đẹp. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Cái sự “ngồi lê đôi mách” vẫn thường được gán cho những ai? Nguyệt ít khi dám nghĩ đến. Chẳng đẹp người, phải đẹp lòng. Mẹ luôn khuyên nàng cơ mà. Không chỉ mẹ, ai cũng khuyên thế. Đã trót không bằng người, cần gì đó để níu lại. Ừ, phải có duyên ngầm. Cái đẹp trời cho dễ thấy chứ duyên ngầm mấy ai nhận ra được. Ngọc trong đá mới quý.
Nhưng người ta không rảnh để đẽo đá tìm ngọc. Vả lại, đâu phải đá nào cũng có ngọc đâu. Sao không khai phá loại ngọc lộ thiên, hiển hiện trước mắt luôn cho rồi. Dù rằng, ngọc lộ thiên có thể bên trong vẫn còn đầy sỏi cát.
Thế mới phải có thi thố, cả sắc, tài và – cái như Nguyệt nghĩ – duyên ngầm. Vậy mới xứng làm Hoa Hậu.
Trong đầu nàng như chia ra hai người đang cãi lộn.
Cũng đến lúc ti-vi xướng tên mười người đẹp nhất. Nguyệt nghe, hồi hộp như chính mình đang đi thi. Giọng Hương vẫn tiếp tục bình phẩm. Có lẽ, trong mắt Hương chẳng một ai là xinh đẹp cả, tất nhiên trừ nhỏ. Ai cũng vậy cả thôi. Trong thâm tâm, luôn muốn mình hơn tất cả… Liệu khi không có mặt, Hương có bêu xấu nàng không – Nguyệt chợm nghĩ.
Ai đây, là những ai nhỉ, nghe xướng đến đâu, Nguyệt thót tim đến đó. Các nàng được nêu bước lên trên, rạng ngời hạnh phúc. Chẳng bù những nàng phải an phận đứng phía sau, giữ nụ cười trên môi nhưng gượng gạo đi lắm rồi. Cứ thêm một người bước lên, chúng lại héo hắt hơn một phần. Cố công dự thi, trổ hết tài sắc, để cuối cùng phải lẳng lặng, mất hết xúc cảm, rút lui vào sau cánh gà. Từ lúc nào, Nguyệt chăm chú họ hơn cả mười gương mặt đang vỡ òa kia.
Một lúc nữa, sẽ chỉ còn năm người. Rất nhanh. Họ bước vào phần thi ứng xử. Đây là vòng quyết định để chọn ra ba người đẹp nhất. Đẹp vẹn toàn.
Nguyệt ngước lên đồng hồ. Đã hơn 10 giờ. Nàng sợ phiền nhà Hương, tính xin phép ra về. Hương níu lại, còn chút xíu nữa thôi, bộ không muốn biết Hoa Hậu hả. Không biết nữa. Hai tiếng nữa là tàn ngày sinh nhật. Nửa tiếng nữa là Hoa Hậu “ra đời”. Tiếng tíc tắc không hiểu sao mỗi lúc lại to hơn, đập vào tai Nguyệt từng âm thanh rõ mồn một. Nàng đã tròn 20 tuổi. Ánh trăng ngoài kia từ khi nào len vào song cửa sổ, phủ một lưới bạc óng ánh mơ màng lên gương mặt. Cha mẹ tặng nàng cái tên này - đẹp, cũng là gửi vào đó một ước mơ. Nhưng trăng trên kia, là dành cho muôn người say đắm ngắm nhìn. Dù trăng chỉ đẹp, sáng nhất những đêm rằm. Còn khi trăng mờ, khuyết không tỏ, trăng chắc cũng chẳng là nàng thơ cho một gã si tình nào được. Trăng chỉ một mà không của riêng ai. Nàng cũng chỉ một, mà khi nào được sáng như trăng. Nàng là Nguyệt, nhưng là mảng tối, ở nửa phía bên kia không bao giờ có ai nhìn thấy. Với trăng, nàng là người, hay…một hạt cát?
Nàng đứng đó, lưỡng lự . Biết để làm gì? Nàng vừa tủi thân, vừa sợ cái “đẹp lòng” bao lâu nay nuôi dưỡng, sẽ bị xói mòn đi.
Nguyệt không muốn xử tệ với bản thân, mà ấm ức nhiều điều. Lâu nay, trong tất cả các câu chuyện cổ tích người lớn kể cho trẻ con nghe, kể cả trên phim ảnh, tại sao luôn là những cô nàng kiều diễm. Từ Lọ Lem, Bạch Tuyết, Công chúa ngủ trong rừng…tất cả đều xinh đẹp. Chỉ những người như họ mới hạnh phúc, mới tìm được Bạch mã hoàng tử thôi sao? Còn những ai lỡ chẳng được vậy, thường đóng vai phản diện, làm điều độc ác, hãm hại người lành, và kết cục là gánh chịu đau khổ…
Ti-vi vẫn đang tường thuật chung kết thi Hoa Hậu.
Nàng về, mặc Hương cố giữ. Không hiểu sao hôm nay nàng nghĩ nhiều vậy. Nàng vẫn thường suy tư, nhưng không giống đêm nay. Phải chăng vì đêm nay đã thêm một tuổi mới. Trên đường về, khi mở cổng, nàng nhớ cái gia tài tuổi 20 Hương đã nói. Gia tài tuổi 20…
Có những đêm khuya khoắt nàng rưng rức một mình. Nước mắt ơi, phải chăng mày cũng là một phần của gia tài?
° ° °
Buổi sáng, Hương sang đưa lọ mỹ phẩm Nguyệt để quên. Nhỏ láu táu kể chuyện thi Hoa Hậu hôm qua. Cô Hoa Hậu cũng vừa vặn 20 tuổi. Hương la: nhỏ đó sướng thiệt, gia tài 20 tuổi của nó lớn quá cỡ, nghe đâu giải thưởng Hoa Hậu tới hơn 200 triệu lận đó Nguyệt. Mắt Hương sáng rỡ, dám chừng năm sau thi Hoa Hậu thật đây. Tếu táo thế nào, một chốc hai đứa đã cười nắc nẻ.
Đôi khi Nguyệt vẫn buồn. Ngồi mông lung tựa cửa hóng gió, lại thấy mấy chàng tối tối đều đặn qua đón Hương. Ngày lại ngày trôi.
Mẹ đỡ mệt, ra chợ bán cùng nàng. Một hôm nàng buột miệng xin mẹ cho đi học may. “Cũng phải có cái nghề cho mình”, mẹ gật đầu. “Ông trời không cho ai quá ít, sẽ chẳng lấy của ai quá nhiều”. Dạ, con biết rồi. Mẹ già nheo mắt, tự dưng nước mắt nhiễu nhượt…
Năm ấy, Nguyệt tròn hai mươi. ./.
Lưu Quang Minh
Sinh nhật 20 của Nguyệt đã gần qua. Không nến, không hoa, không bánh kem… Một ngày lặng lẽ của nhịp sống thường ngày. Nguyệt hay buồn, nhưng cũng có sao. Buồn đến rồi buồn đi. Nàng nào có phải tiểu thư sống trong nhung lụa, được cưng chiều nâng niu. Nàng cũng lại chẳng đáng yêu như cô bé Lọ Lem trong câu chuyện cổ tích thời thơ bé. Mặc dù hoàn cảnh nàng giống Lọ Lem phần nào…
Ở tuổi Nguyệt, nhiều cô nàng mơ mộng đã kịp sắm cho mình một hai mối tình, dù mong manh dễ vỡ. Nàng không trách cha mẹ sao sinh nàng mà chẳng được bằng chị bằng em. Cha hằng ngày đạp xích lô, mỗi đêm trở về đưa mẹ được dăm ba chục ngàn. Ngày trước mẹ còn buôn bán lặt vặt ở chợ, sau này ốm o bệnh tật liên miên, dứt cơn này lại qua đợt khác. Thương con sớm tối ra vào, mẹ chỉ bâng quơ: con gái mẹ, cái nết đánh chết cái đẹp!
Ngày sinh nhật, ti vi phát chương trình chung kết thi Hoa hậu. Nhỏ Hương hàng xóm rủ nàng tối qua xem, chung kết rồi, sắp biết ai là người đẹp nhất nước mình rồi đó. Nàng ậm ừ. Tối qua nhà, Hương ríu rít: thấy người ta đẹp không? Mốt tao cũng đi thi, làm hoa hậu cho mày coi.
Hương đẹp nức tiếng ngõ này. Hai đứa bằng tuổi, hàng xóm thân nhau từ tấm bé. Ba Hương mất sớm, anh làm bác sĩ lấy vợ rồi ra riêng, lâu lâu má vẫn nhờ cha Nguyệt chở lên thăm dâu cháu.
Hương lấy trong túi ra đưa Nguyệt một lọ mỹ phẩm: anh bồ tặng nhưng tao dư nên không xài, với lại dạo này thấy chán quá, không muốn xài cái gì của người ta nữa. Nguyệt cầm cái lọ mà tay run run, không dám nhận, vội vàng trả lại. Hương bảo: không nhận giận luôn nha!
Hai đứa bật tivi, ngay bắt đầu. Các nàng xếp hàng, “trình diện” ban giám khảo. Hương chỉ trỏ, tấm tắc. Nguyệt xem, ai cũng rạng ngời, tự tin, duyên dáng…
Như đọc được ý nghĩ, Hương quay sang nàng: nói nghe nè Nguyệt, “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”.
Không biết là lời an ủi hay thiệt tình, Nguyệt cười gượng. Con nhỏ Hương hay ghê, nói gì cũng thấy chí lý, hùng hồn. Còn nàng, quê mùa, cục mịch, gái thành phố mà đi hơi xa một chút đã tù mù đường về. Nhà khó khăn, gắng học hết lớp mười rồi nàng ở nhà phụ mẹ. Giờ mẹ ốm, nàng thay mẹ bán bung, lặt vặt có được là bao. Đầu tắt mặt tối, thời gian chẳng đủ. Nhưng nhiều khi ngồi một mình nàng vẫn hay nghĩ ngợi, khi buồn, khi mơ mộng mông lung...
Tối đến nàng tựa cửa ngó qua nhà Hương, thấy trước cổng đã sẵn một chàng một xe tay ga bóng loáng, trực chờ rước nhỏ đi chơi hóng mát. Hương xí xọn hếch mũi, leo lên xe đi đến tối mịt mới về. Nhỏ say sưa kể chuyện chàng nọ chàng kia theo đuổi hẹn hò mình. Giọng Hương ngọt như đường phèn, đủ sức làm “chết” bao nhiêu gã trai si tình.
Hương sinh sau nàng một tháng. Sắp sửa lại đến sinh nhật Hương. Nhỏ thủ thỉ sinh nhật xong, bước vào tuổi 20 đẹp tuyệt, Hương sẽ làm một điều gì đó để “kỷ niệm” cái tuổi này. Làm gì, Nguyệt tò mò. Không biết, có lẽ là yêu thêm…15 chàng nữa, cho chẵn hai mươi? Hay sắm một anh bồ hơn mình… 20 tuổi? Nguyệt le lưỡi, nhỏ này suy nghĩ khùng thiệt! Hương cười khanh khách. Ý Hương là, đời mình chỉ 20 tuổi một lần thôi. Tích lũy cái gì ngồ ngộ, coi như một gia tài, thấy hay không Nguyệt?
Gia tài tuổi 20, cũng ngộ thiệt… Nguyệt đâm ngây ra như tượng. Hôm nay Nguyệt tròn 20 rồi. Nàng có gia tài nào không nhỉ.
Nhà Nguyệt thì làm gì có của cải gia tài nào đâu. Gia tài của Nguyệt – nàng trầm ngâm – phải chăng là...
Là làn da đen nhẻm, xù xì – không biết vì bẩm sinh hay do nắng mưa đem lại. Là mớ tóc rối bung, khô gãy. Là những đêm khuya thao thức, trăn trở những điều đáng ra không nên có trong cái đầu còn non nớt nghĩ suy. Là khuôn mặt hao gầy cha mẹ cho không thay đổi được. Là nỗi buồn dáo dác trong những buổi chiều hiu hắt nắng. Gia tài cũng kha khá đó chứ ta!
Mải nghĩ, Nguyệt giật bắn người khi nhỏ Hương đập mạnh vào tay. Nè, coi tiếp không kìa. Nàng ngước lên ti-vi, mấy cô sắp-hoa hậu còn đang lượn lờ, khoe sắc vóc. Nhiều vậy, nhưng rồi cũng chỉ một nàng đăng quang thôi. Nàng ta sẽ là đại diện, nét đẹp vẹn toàn của người con gái Việt Nam.
Và, gia tài của cô ấy: niềm tự hào, hãnh diện trước bao con mắt đổ dồn về mình đầy ngưỡng mộ. So với cô ấy, gia tài của Nguyệt mới nhỏ bé có là bao…
Hương nhăn mặt, chau mày: xấu, đâu đẹp đâu! Hương như một vị giám khảo khó tính đầy cực đoan. Sẽ chẳng ai bàn cãi. Vì sao ư? Hương đẹp. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Cái sự “ngồi lê đôi mách” vẫn thường được gán cho những ai? Nguyệt ít khi dám nghĩ đến. Chẳng đẹp người, phải đẹp lòng. Mẹ luôn khuyên nàng cơ mà. Không chỉ mẹ, ai cũng khuyên thế. Đã trót không bằng người, cần gì đó để níu lại. Ừ, phải có duyên ngầm. Cái đẹp trời cho dễ thấy chứ duyên ngầm mấy ai nhận ra được. Ngọc trong đá mới quý.
Nhưng người ta không rảnh để đẽo đá tìm ngọc. Vả lại, đâu phải đá nào cũng có ngọc đâu. Sao không khai phá loại ngọc lộ thiên, hiển hiện trước mắt luôn cho rồi. Dù rằng, ngọc lộ thiên có thể bên trong vẫn còn đầy sỏi cát.
Thế mới phải có thi thố, cả sắc, tài và – cái như Nguyệt nghĩ – duyên ngầm. Vậy mới xứng làm Hoa Hậu.
Trong đầu nàng như chia ra hai người đang cãi lộn.
Cũng đến lúc ti-vi xướng tên mười người đẹp nhất. Nguyệt nghe, hồi hộp như chính mình đang đi thi. Giọng Hương vẫn tiếp tục bình phẩm. Có lẽ, trong mắt Hương chẳng một ai là xinh đẹp cả, tất nhiên trừ nhỏ. Ai cũng vậy cả thôi. Trong thâm tâm, luôn muốn mình hơn tất cả… Liệu khi không có mặt, Hương có bêu xấu nàng không – Nguyệt chợm nghĩ.
Ai đây, là những ai nhỉ, nghe xướng đến đâu, Nguyệt thót tim đến đó. Các nàng được nêu bước lên trên, rạng ngời hạnh phúc. Chẳng bù những nàng phải an phận đứng phía sau, giữ nụ cười trên môi nhưng gượng gạo đi lắm rồi. Cứ thêm một người bước lên, chúng lại héo hắt hơn một phần. Cố công dự thi, trổ hết tài sắc, để cuối cùng phải lẳng lặng, mất hết xúc cảm, rút lui vào sau cánh gà. Từ lúc nào, Nguyệt chăm chú họ hơn cả mười gương mặt đang vỡ òa kia.
Một lúc nữa, sẽ chỉ còn năm người. Rất nhanh. Họ bước vào phần thi ứng xử. Đây là vòng quyết định để chọn ra ba người đẹp nhất. Đẹp vẹn toàn.
Nguyệt ngước lên đồng hồ. Đã hơn 10 giờ. Nàng sợ phiền nhà Hương, tính xin phép ra về. Hương níu lại, còn chút xíu nữa thôi, bộ không muốn biết Hoa Hậu hả. Không biết nữa. Hai tiếng nữa là tàn ngày sinh nhật. Nửa tiếng nữa là Hoa Hậu “ra đời”. Tiếng tíc tắc không hiểu sao mỗi lúc lại to hơn, đập vào tai Nguyệt từng âm thanh rõ mồn một. Nàng đã tròn 20 tuổi. Ánh trăng ngoài kia từ khi nào len vào song cửa sổ, phủ một lưới bạc óng ánh mơ màng lên gương mặt. Cha mẹ tặng nàng cái tên này - đẹp, cũng là gửi vào đó một ước mơ. Nhưng trăng trên kia, là dành cho muôn người say đắm ngắm nhìn. Dù trăng chỉ đẹp, sáng nhất những đêm rằm. Còn khi trăng mờ, khuyết không tỏ, trăng chắc cũng chẳng là nàng thơ cho một gã si tình nào được. Trăng chỉ một mà không của riêng ai. Nàng cũng chỉ một, mà khi nào được sáng như trăng. Nàng là Nguyệt, nhưng là mảng tối, ở nửa phía bên kia không bao giờ có ai nhìn thấy. Với trăng, nàng là người, hay…một hạt cát?
Nàng đứng đó, lưỡng lự . Biết để làm gì? Nàng vừa tủi thân, vừa sợ cái “đẹp lòng” bao lâu nay nuôi dưỡng, sẽ bị xói mòn đi.
Nguyệt không muốn xử tệ với bản thân, mà ấm ức nhiều điều. Lâu nay, trong tất cả các câu chuyện cổ tích người lớn kể cho trẻ con nghe, kể cả trên phim ảnh, tại sao luôn là những cô nàng kiều diễm. Từ Lọ Lem, Bạch Tuyết, Công chúa ngủ trong rừng…tất cả đều xinh đẹp. Chỉ những người như họ mới hạnh phúc, mới tìm được Bạch mã hoàng tử thôi sao? Còn những ai lỡ chẳng được vậy, thường đóng vai phản diện, làm điều độc ác, hãm hại người lành, và kết cục là gánh chịu đau khổ…
Ti-vi vẫn đang tường thuật chung kết thi Hoa Hậu.
Nàng về, mặc Hương cố giữ. Không hiểu sao hôm nay nàng nghĩ nhiều vậy. Nàng vẫn thường suy tư, nhưng không giống đêm nay. Phải chăng vì đêm nay đã thêm một tuổi mới. Trên đường về, khi mở cổng, nàng nhớ cái gia tài tuổi 20 Hương đã nói. Gia tài tuổi 20…
Có những đêm khuya khoắt nàng rưng rức một mình. Nước mắt ơi, phải chăng mày cũng là một phần của gia tài?
° ° °
Buổi sáng, Hương sang đưa lọ mỹ phẩm Nguyệt để quên. Nhỏ láu táu kể chuyện thi Hoa Hậu hôm qua. Cô Hoa Hậu cũng vừa vặn 20 tuổi. Hương la: nhỏ đó sướng thiệt, gia tài 20 tuổi của nó lớn quá cỡ, nghe đâu giải thưởng Hoa Hậu tới hơn 200 triệu lận đó Nguyệt. Mắt Hương sáng rỡ, dám chừng năm sau thi Hoa Hậu thật đây. Tếu táo thế nào, một chốc hai đứa đã cười nắc nẻ.
Đôi khi Nguyệt vẫn buồn. Ngồi mông lung tựa cửa hóng gió, lại thấy mấy chàng tối tối đều đặn qua đón Hương. Ngày lại ngày trôi.
Mẹ đỡ mệt, ra chợ bán cùng nàng. Một hôm nàng buột miệng xin mẹ cho đi học may. “Cũng phải có cái nghề cho mình”, mẹ gật đầu. “Ông trời không cho ai quá ít, sẽ chẳng lấy của ai quá nhiều”. Dạ, con biết rồi. Mẹ già nheo mắt, tự dưng nước mắt nhiễu nhượt…
Năm ấy, Nguyệt tròn hai mươi. ./.