Diễn Đàn Thi Thơ

Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Trấn Tường Thi Tuyển


    Tô ba khía

    UtKhen
    UtKhen
    Admin


    Posts : 1103
    Join date : 2011-07-19
    Age : 55

    Tô ba khía Empty Tô ba khía

    Post  UtKhen Thu Jul 05, 2012 2:16 pm

    Hôm nay trời nắng.

    Cái nắng hiếm hoi đầu mùa Hè sau những cơn lạnh trái mùa kéo từ phía Bắc đổ vào thành phố từ mấy tuần trước, thời tiết Montréal năm nay thất thường, không dễ gì có được một ngày nắng đẹp.

    Bác Hai kéo cao tấm mành cửa, vùng ánh sáng tràn vào căn hầm, rực rỡ trên vách rồi đổ ra mặt thảm, nồng nàn lên hơi nắng quen thuộc, Bác đẩy cửa bước ra cái sân nhỏ sau nhà... hít một hơi, mùi lá xanh, mùi hoa cỏ, mùi đất chạy rần trong cuống phổi, chui tận từng góc thịt xương, đánh thức cơ thể của người đàn ông 70 tuổi đang héo hắt với những ngày già của mình sau mùa Đông lạnh ngắt. Bác cởi chiếc áo khoác, vô nhà chuẩn bị ly cà phê sáng.

    Một ngày đẹp như vầy, ngồi uống cà phê dưới nắng quả là một cái thú.

    Bác Hai kéo chiếc bàn nhỏ ra sân sau, châm điếu thuốc, ngồi nhìn từng giọt cà phê rơi trong ly.

    Mới đây mà đã mười mấy năm rồi, ngày tháng qua nhanh thật!

    ... Ngày nào cũng vậy, dưới tàn me hanh mát của cái quán cóc bên đường Nguyễn Du, Bác và mấy người bạn thất thế lỡ thời sáng nào cũng tụ tập ngồi bàn chuyện trời đất, chuyện chính trị chính em, chuyện xe cán chó chó cán xe... chuyện gì cũng nói, cũng bàn, cốt cho qua thì giờ, qua ngày tháng và cạn ly cà phê xây chừng đậm đen nguội ngắt... Rồi mỗi người mỗi hướng, tất bật kiếm sống trong những ngả nghiêng của cuộc đời. Sài Gòn thay áo rồi lột áo, bác Hai và bạn bè dần đà mất đi những giây phút tụ tập cà phê cà pháo dưới hàng me già, chứng nhân muôn thuở của thành phố đang đổi chủ. Đùng một cái, bác Hai có giấy cho đi, gấp đến nỗi căn nhà nhỏ không kịp bán, và cũng không có dịp tìm những người bạn quây quần bên nhau một lần chia mấy xị “Cây lý”, hoặc ly cà phê xây chừng đậm mùi gạo rang.

    Bác đến xứ Canada lạnh lẽo đoàn tụ với vợ và người con gái đã lấy chồng, định cư ở đây từ những năm 80.

    Điện thoại reng...

    - Ba hả?

    - Ba!

    - Tụi con có việc nên về trễ, sẵn mì ống trong tủ, ba hâm lại ăn tối với thằng Tùng luôn giùm con.

    - Được con!

    - Bye ba!

    Hằng, luật sư, người con gái duy nhất của bác Hai lấy chồng Tây, Tùng là cháu ngoại của Bác, hai vợ chồng quán xuyến văn phòng luật sư ở dưới phố, ngày nào cũng bận bịu, thường về nhà rất khuya. Bác Hai thương con gái, Hằng lo lắng cho ba mình như một người đàn bà Việt. Rick, người con rể, ít nói, tốt bụng, hay cười với bác, tuy không thông cảm với nhau được nhiều vì khác biệt ngôn ngữ, nhưng bác vẫn không khúc mắc gì với anh ta, chỉ có điều đôi khi Hằng ra ngoài với con, Rick ngồi trên nhà xem TV, hoặc nghe nhạc, còn bác Hai lầm lũi dưới “basement”, uống cà phê, hút thuốc hoặc đọc sách... có vẻ cách biệt lắm, nhưng không ai phiền ai. Điều khác nhau nữa là hai vợ chồng Hằng lúc nào cũng vội vàng làm việc, luôn sợ không đủ, hoặc không còn thời gian. Ngược lại Bác Hai không biết làm gì, ngoài việc sống im ỉm nhìn ngày tháng qua đi từ khung cửa sổ nhỏ bên hông từng hầm của mình...

    Cuộc sống của Bác nhẹ nhàng và yên lặng như những người Việt lớn tuổi khác ở đây.

    Bác Hai ngồi giữa sân cỏ đầy nắng, uống hết giọt cà phê cuối cùng, cái ấm áp mùa hè làm bác nổi hứng. Bác vô nhà thay đồ và quyết định đi một vòng. Trời đẹp quá! ngồi nhà uổng lắm.

    Qua Queen Mary, vòng xuống Victoria, bác Hai ghé vô chợ Việt Nam mua 2 lon bia lớn, dưa leo, rau thơm, ngò om, rau quế và vỉ ba khía.

    Từ lâu lắm rồi Bác thấy chợ Việt Nam có bày bán cái món nhậu bình dân của miền Tây này, bác thích lắm nhưng đứa con gái bác đã quên hẳn và cũng không bao giờ muốn đụng vô những món mắm Việt Nam mà nó đã ăn từ nhỏ, hơn nữa, sợ người con rể cho là hôi nhà cửa nên Bác chưa bao giờ có dịp nhấm nháp. Hôm nay tụi nó bận việc, khuya mới về, trời đầy nắng đẹp, mình mua về đem ra ngoài sân, ngồi uống bia ăn ba khía... làm sao hôi nhà được!

    Bác Hai bày hết mọi thứ ra cái bàn sau nhà, bắt đầu làm cái món nhậu mà bao năm qua chưa có dịp nếm tới. Bác lấy tô nước nóng rửa sơ mấy con Ba Khía. Chậc! đúng là đồ xuất khẩu, con nào cũng nặng, to, cái màu nâu nâu vừa chín tới hấp dẫn thiệt!
    Coi bộ ngon à. Bác Hai lột từng cái mai để riêng ra.
    .....

    “Cái mai ba khía là cả một kho tàng, bẻ hay cắt ra, bao nhiêu cái ngon trong đó trôi tuồn tuột, mất hết. Anh phải lột! Nhớ em nói hôn? Lột cái mai, để riêng ra, khi trộn xong ba khía, cắt miếng chanh nặn vô, lấy muỗng nhỏ cạo bên trong mai, đổ trên mặt là dĩa ba khía thành bất tử. Ăn vô ngất ngư liền!”

    Cô Bảy, dân Cần Thơ lên Sài Gòn học, gặp bác Hai trong buổi tiệc cưới, mê tiếng kèn tài hoa với bài “Đêm Đông” của Bác, nên một năm sau trở thành vợ bác Hai.

    Cô Bảy có cái duyên dáng thật thà của dân miền Tây chính gốc, mỗi lần cô la: “Tui đánh anh “chớt” à nhen...”, sao cái tiếng “chớt” dễ thương quá chừng, đã vậy đôi bàn tay yểu điệu của cô bày món ba khía, từ thực phẩm của người Bình Dân leo lên thành món nhậu thượng hạng, làm bác Hai và mấy người bạn càng ăn càng ngất ngư... ăn hoài không hết thèm!

    - Nhớ hôn….aaaaaanh! (Cô Bảy lúc nào kéo dài chữ anh, nghe thật thấm thía nghĩa tình người Miền Tây!) không bao giờ chặt, cắt ba khía... muốn ngon, muốn có duyên phải bẻ, phải xé; khi bẻ, phải để ý mấy cái càng, ba khía muối vừa tới thì còn thịt, nên khi bẻ nhỏ, mỗi miếng phải kèm theo cái càng, khi ăn người ta gắp cái càng, thấy nó đẹp! Đồ nhậu thường, chỉ cho người bình dân, ăn lấy để sống, để say sưa!... đồ nhậu ngon, đẹp mắt là cho người sành điệu, ăn hương, ăn hoa đưa cay.”

    Hai vợ chồng mua căn nhà gạch nho nhỏ ở khu Bà Chiểu, sau lưng day qua rạch Thị Nghè. Chiều nào cô Bảy cũng áo bà ba lụa lèo trắng nõn, quần sa-ten đen, bỏ đứa con gái vô xe cho nó chơi quanh cái vườn đầy hoa kiểng do một tay cô chăm sóc, mở cát-sét nghe tuồng “Sân khấu về khuya” của Thanh Nga..., thảnh thơi làm món nhậu, hôm thì cá sặc rằn bóp trái điều, hôm thì cá kèo trộn xoài chua, đợi bác Hai chạy chiếc Vespa từ phi trường Tân Sơn Nhất về. Bác đi Không Quân, nhưng không dính gì tới súng đạn, chỉ là lính thổi kèn cho ban nhạc.
    ...

    Bác Hai từ tốn xé từng miếng ba khía bỏ vô cái tô lớn, lấy thơm cắt lát nhỏ, gọt vỏ trái dưa leo, đâm tỏi, ớt thật nhuyễn.

    - “Ớt tỏi phải đâm nhuyễn, vì khi đâm, cái chất cay trong vỏ ớt, tép tỏi mới tươm ra, nếu anh cắt, nó khô rang, mùi vị không thấm vô đâu “hớt... t... t...”.

    Cô Bảy lại kéo dài tiếng “hớt” dễ thương như thói quen, làm bác Hai bủn rủn chân tay!

    - “Mọi thứ cắt sạch sẽ, để ngay trước mắt... trộn ba khía phải nhẹ tay, không bóp như trộn gỏi, bóp sẽ gãy càng, bể thịt, mất ngon, vì khi người ta gắp, gắp cái càng, dính theo phần mình, ăn mới thấm miệng... khi trộn, phải biết thứ nào trước, thứ nào sau... Anh đặt ba khía thành một lớp vô cái tô lớn, ướp tỏi, ớt trước, nếm cho đủ cay, đủ nồng...”.
    .....

    Bác Hai làm đúng như những dặn dò của cô Bảy ngày nào, đôi bàn tay nhăn nheo nhẹ nhàng trộn lớp ba khía, cái mùi mằn mặn của biển Tràm miền Tây cộng với ớt tỏi thơm ngát mũi. Bác bỏ thêm lớp thơm cắt từng miếng nhỏ bằng ngón tay, rồi rải hai muỗng đường vàng trên mặt lớp ba khía...

    - “Phải dùng đường vàng vì nó ngọt đậm đà hơn, rải đường xong anh chỉ đảo nhẹ cho thấm vô thịt.”

    Cô Bảy gắp một miếng:

    - “Anh ăn thử coi... đường làm cho hương vị sắc lại, lỡ tay một chút là ngọt xợt, mất ngon. Em còn một tích tắc bí mật, hồi đó bà Ngoại em chỉ, không có cái này, là đĩa ba khía không mang đủ hương vị của quê em...”

    Cô Bảy lấy một chút nước mỡ, phi miếng hành khô đổ trên mặt:

    - “Cái thứ này coi vậy mà rất quan trọng, nó cấu kết tất cả những hương vị lại và làm cho thêm đậm đà... đây là tác dụng của hóa học... chớ không phải màu mè...”.
    .....

    Bác Hai vô nhà, lấy chén dưa leo đã cắt từng khúc bằng đầu đũa, được ướp lạnh nãy giờ rải lên trên mặt, bỏ thêm lớp rau quế, ngò om xắt nhỏ...
    .....

    - “Ba Khía là món ăn nguội, muốn cho xuất sắc... anh phải cắt dưa leo từng khúc... không!... không phải vậy! “Chớt” rồi anh Hai! đưa đây tui!”

    Cô Bảy lấy trái dưa leo và dao trên tay chồng... cắt như vầy!... Anh nhậu thì giỏi mà làm sao dở vậy! Bác Hai cười cười, đưa tay xoa cái mông dưới lớp quần sa-ten láng mướt của vợ...

    - “Làm chưa chắc dở à em!”

    Cô Bảy cự nự:

    - “Thôi nghen, bà con cười cho thúi đầu à, coi tui cắt mà học nè, cắt hai đầu thành hai lát mỏng, lấy ra xoa trên đít trái dưa để tránh được vị đắng của mủ lúc ăn, khi gọt vỏ, phải chừa lại vài sọc chung quanh để lúc trộn dưa vẫn giòn, không bị bủn... cắt dọc trái dưa, bỏ hết ruột, vì trong hột có chất nhớt, ăn không ngon, sau đó xẻ thành từng lát bằng ngón tay rồi cắt ngang thành khúc nhỏ...”.
    .....

    Dĩa ba khía bắt đầu thành hình. Bác Hai lấy lon bia lạnh làm một hớp! Lâu rồi, bác không uống bia rượu, một phần vì bệnh cao máu, một phần bởi đứa con gái hay cằn nhằn.

    - Ba sao cái gì cũng có đủ. Thuốc lá, rồi bia, giảm thọ ba ơi!

    - Ba có chút chút cho vui con, già rồi, còn gì đâu?

    - Sao không còn? còn con... còn cháu! Bên này ai cũng thọ, sống lâu với con cháu cho vui chứ ba! Ba cứ bia bọt, thuốc lá phì phèo hoài, ngỏm lẹ đó! Bỏ đi ba!

    - Ba sống lâu làm gì? Con cấm đủ thứ... chết khỏe hơn!.

    - Nhưng con không khỏe!

    - Ai cũng chết mà con! Ba nhớ Má... muốn đi sớm cho rồi!

    - Ba nói bậy bạ!

    Trước đây, mỗi lần uống bia, hút thuốc, thấy con gái không vui nên Bác bỏ bớt đi, hôm nay tự nhiên thèm.

    Hớp bia lạnh chạy rần rần, bác Hai ngồi im nghe vị đắng sủi bọt tuột qua cuống họng, xuống bao tử... Chà, ngon thiệt! bác Hai nhắm mắt...
    .....

    Cô Bảy cầm dĩa ba khía thơm phức đưa qua mặt bác Hai:

    - “Ba khía trộn xong, muốn ngon phải để tủ lạnh chừng 15 phút cho mọi thứ nó thấm hết với nhau... anh nhớ, trước khi ăn, nặn chanh vô cái mai, lấy nước đó tưới đều trên mặt...”.

    Nắng vàng đầy trên sân, trên đầu, trên cổ bác Hai, lớp da nhăn nheo trên mặt bác sống lại, căng ra đỏ hồng, bác bỗng nhớ cô Bảy quá chừng, người gì đâu mà thương con, cưng chồng nhiều quá!
    .....

    “Sau 75, bác Hai vô công ty Cầu Đường, ngày ngày chỉ làm một việc: trải đá, vá đường, lúc nào về tới nhà cũng xụi lơ, hụt hơi, thiếu thở... Cô Bảy tỉnh bơ dọn ra dĩa cua rang muối với 6 chai bia Sài Gòn, rồi ngồi xuống bên bác... “Đừng buồn anh Hai ơi! Nay anh “xúc đá vá đời...” cũng nam nhi chí lớn, em mần dĩa cua, vài ba chai bia, đãi ngộ người Anh Hùng mất Đơn Vị!” Rồi hai vợ chồng ôm nhau cười ra nước mắt...”
    .....

    Bác Hai ngồi uống từng ngụm bia lạnh, đợi ba khía ngấm như lời vợ dặn...

    “Nhưng cô Bảy là đàn bà, rất đàn bà, những ngày khó khăn sau 75 đã bắt đầu làm chán nản người đàn bà xinh đẹp với áo lụa lèo và quần sa-ten đen mỗi chiều chơi với con, làm món nhậu đợi chồng về, cô buồn bã, ốm xo, Bác Hai hay giỡn: “Em như con mèo ngâm nước đá...”. Và con mèo ngâm nước đá của bác Hai càng phân tâm hơn khi cả gia đình cô xuất cảnh qua Pháp, cô lọt lại vì có gia đình riêng và không có tên trong sổ hộ khẩu của nhà cô. Một năm sau, đầu óc cô Bảy càng thêm rối bời khi bác Hai bị bắt trong một đêm nhậu tại nhà người bạn họa sĩ, trước đây anh ta có chân trong Quốc Dân Đảng ở Đà Nẵng, bị lùng bắt bỏ trốn vô Sài Gòn, tạm trú tại nhà bác mấy tháng... Sự việc chỉ như vậy cọng thêm lý lịch Tâm Lý Chiến cũng đủ đưa bác Hai vô tù. Nhà nước không có luật nên chả cần xử án, vì vậy bác Hai đi tù không ngày về. Cô Bảy ốm o như con cò thiếu nước, ngã tới ngã lui, trong nhà, còn gì bán nấy nuôi tù và nuôi con... Có điều là cả đời cô Bảy Cần Thơ chưa bao giờ biết cực, sinh ra với hào quang của ông nội là Đốc Phủ, ba du học Tây về làm kỹ sư cho hãng tàu Pháp, các cô, dì cậu chú đều giàu nứt đố, nên cô chưa có dịp để cực với người... và bây giờ khổ với chồng con, cô đâm ra ớn...”
    .....

    Bác Hai mở mắt... Chà! lâu lâu uống chút bia coi bộ ngà ngà... Bác vô nhà mở tủ lạnh lấy tô ba khía ra đặt trên bàn, gắp một miếng...

    Mùi chanh ớt tỏi, lẫn với dưa leo, thơm, rau quế quyện lấy cái mằn mặn, ngòn ngọt của miếng ba khía giòn tan, vị cay của trái ớt chỉ thiên rần rật đầu lưỡi, bác Hai nhai thật chậm để thưởng thức hết cái hương vị miền Tây đậm đà mà trong bao năm qua chừng như không bao giờ có được. Bác uống ngụm bia, khà một hơi dài, ngửa lưng ra sau lim dim... Bác nhớ vợ, bác nhớ cô Bảy áo lụa lèo... Bác nhớ giọng Thanh Nga, Thành Được trong tuồng “Sân Khấu về khuya”...
    .....

    “Cô Bảy ớn cuộc sống thiếu thốn tới cổ nên bán nhà, thu hết vốn liếng còn lại vô thăm chồng.

    - “Nếu anh về được, em gởi hết số vàng cho anh ở nhà người bạn, còn bao nhiêu em nhờ người bạn tìm cách ra đi. Họ khó dễ hoài, em có thể sống lây lất... nhưng còn bé Hằng thì sao? Ngày mai vô vọng kia sẽ được gì? Không có anh, em yếu đuối lắm!”

    Bác Hai nước mắt lưng tròng nhìn vợ, nhìn cô Bảy Cần Thơ má hóp, lưỡng quyền cao, xanh xao ốm yếu:

    - “Em tìm đường sống mà nuôi con, tội chính trị như anh hết đường ra... anh coi như không còn, em đừng bận tâm!”

    Hai vợ chồng lặng thinh nhìn nhau khóc suốt buổi thăm nuôi rồi chia tay.

    Cô Bảy ôm con theo bạn vượt biên, không một tin tức. Ba năm sau, bác Hai ra tù, người bạn thân lấy cớ làm ăn thua lỗ, quên luôn mười mấy cây vàng nhưng còn nhân đạo lo cho bác có hộ khẩu Sài Gòn và chia nửa gian bếp để sửa lại thành căn nhà tạm sống...

    Bác Hai theo ban nhạc kèn đồng đám ma kiếm cơm qua ngày. Nhờ lúc đó thiên hạ buồn đời, chán sống nên chết nhiều, Bác Hai tạm đủ chén cơm hàng ngày. Chiều nào dư dả chút tiền cũng làm món nhậu cúng Cô Bảy, rồi ngồi thút thít nhớ vợ, nhớ con biệt tăm...

    - Anh Hai! Anh Hai! có thư ngoại quốc!

    Anh công an khu vực la như nhà cháy. Là lần đầu tiên qua bao nhiêu năm, bác mới có tin tức của vợ và con mình. Sao cuộc đời cô Bảy lận đận quá, vượt biên bị chìm ghe, được tàu dầu của Phi Châu vớt, nên phải về bên đó định cư, ba năm sau xin đi Canada, nhờ có bảo lãnh và bằng tú tài Pháp. Bây giờ hai mẹ con đang ở Montréal. Bác Hai kéo anh công an ra tiệm phở làm một chầu mừng cho mình.

    Vậy là cuộc đời của Bác hai tươi tắn trở lại, ngày hai buổi thổi kèn đám ma, tà tà cà phê cà pháo, ăn uống tạm bợ đợi ngày ra đi...”
    .....

    Bác Hai gắp liền mấy miếng... Mùi ba khía thơm đầy cái sân nhỏ đang rực nắng mùa Hè. Bác đứng dậy đi tới đi lui, vui vẻ như đứng trước niềm hạnh phúc lớn. Qua đây, bác không thân thích một ai nên ngày tháng cứ im ỉm dưới tầng hầm này, lâu lâu nhờ con gái đưa đi chùa, quen người này người nọ, nhưng tình thân ở đây nó lạt lẽo, không đậm đà như những ngày Sài Gòn, riết rồi bác ngại, và đâm ra lười tiếp xúc. Cũng có thể bác còn nặng nghĩa tình theo kiểu Việt Nam ngày trước nên chưa quen với cách sống bên này. Ở nhà thì càng lạc lõng hơn, con cháu ra đi từ sáng sớm tới tối mới về, đêm nào bác cũng thui thủi một mình ngồi thở ngắn thở dài trước bữa cơm tối lạnh ngắt. Đứa con gái bận suốt ngày này tháng nọ, gặp nhau chỉ đủ hỏi một câu... “Ba, khỏe không ba! Sao thức khuya vậy ba...?, hút thuốc nhiều quá Ba!”
    ...

    “Cô Bảy đặt tô ba khía xuống bàn, lấy cái ly, đôi đũa, rót bia cho chồng.

    - “Ăn khác với nhậu, người ta ăn vì đói, ngược lại, có vui có vẻ, hạnh phúc, rủng rỉnh mới nhậu, Nhậu có nhân duyên, đâu muốn nhậu với ai cũng có, nhiều khi đời bận rộn, hẹn nhau năm khi mười họa mới hữu duyên gặp nhau cụng ly, nhậu đẻ ra chuyện, có trăng có sao... có bạn đồng lạng đồng cân, hợp tâm hợp tánh, có nghe, có nói mới lấy được sàng khôn mà mở mang tri thức...
    nhậu như nội em, như ba em mới đáng nể... nhậu nhưng làm Hội Kín chống Tây, nhậu như chú em, cậu em kéo quân vây đồn, khi say hào sảng như anh hùng! Anh Hai biết hôn, đã người quân tử phải biết nhậu, nhậu phải biết khiêm tốn, biết kềm cơn say... say quá đâm ra bậy bạ... rớt xuống tiểu nhân cái đùng...”
    .....

    Lon bia lớn làm bác Hai ngà ngà... Đúng, vợ tui nói đúng! Nhậu mà trở thành say sưa là coi không được rồi! Nhậu phải vui, Bác Hai mồi điếu thuốc, phun ngụm khói đặc sệt... chà! lúc này mà có thằng bạn cũ, thằng bạn nối khố ngồi lai rai nhắc chuyện xưa thì êm quá... nhưng bạn mới đã không thì đào đâu ra bạn cũ. Bên này người ta chơi với nhau vì quen, không vì bạn, mọi thân tình chỉ đổ ra bàn tiệc, bữa rượu và chấm hết sau cái bắt tay... nhưng càng ở lâu thì những cái bắt tay kia càng hiếm đi, bởi cuộc đời ở đây quá nhiều sân si chi phối.


    Tranh: Thắm Nguyễn

    .....

    “Bác Hai qua tới Montréal, gặp vợ con được chừng một năm cô Bảy lâm bệnh. Bác sĩ cho biết cô bị ung thư, hậu quả của thời gian sinh sống khổ cực, kém dinh dưỡng trước đây ở Sài Gòn cộng với mấy năm khủng hoảng tinh thần vì chờ đợi thoát khỏi nước Phi Châu đen đúa.”
    .....

    Bác hai đang gắp miếng ba khía, có tiếng cửa mở.

    - Ông ngoại ăn gì đó?

    À, thằng Tùng về tới!

    - Ông ăn món đặc biệt Việt Nam.

    Đứa cháu ngoại bước tới gần ông:

    - Hôi quá ông ngoại!

    - Tại con không quen! Hồi ở Sài Gòn ông ăn hoài, không hôi đâu... Mẹ con làm mì ống sẵn trong tủ, vô trỏng ăn đi con!.

    Tùng vô nhà, bác Hai kéo tô ba khía lại gần, gắp một miếng, chấm xuống chất nước dưới đáy tô, bỏ vô miệng... Chà, coi bộ thấm quá! ngon hơn lúc nãy nhiều, hay mình làm hết lon bia nữa, còn sớm mà! Tụi nó chưa về đâu!

    Bác hai vô tủ lấy thêm lon bia.

    - Bữa nay ông ngoại uống bia?

    - Lâu lâu mới uống một chút con!.

    - Ông ngoại!.

    - Sao con?

    - Ông ngoại nấu cái gì ăn đi. Con ớn mì ống!

    - Ngoại không nấu được, ráng ăn đi con! Cuối tuần ngoại cho tiền chơi “game”.

    Tùng le lưỡi nhìn đĩa mì ống trên bàn, nó lén đổ hết vô thùng rác, theo ông ngoại ra sân.

    - Ông ngoại ăn cái đó ngon không?

    - Ngon con!

    - Con muốn ăn thử được không?

    Bác Hai hơi ngại... không biết nó ăn có sao không? Thật ra thì mình ăn được là nó ăn được!

    - Con muốn thử, con không sợ hôi?

    - Hôi thật! nhưng thấy ông ngoại ăn ngon quá... con muốn ăn!.

    - Cay lắm con.

    Thằng cháu càng thêm tò mò:

    - Bữa trước ăn bánh xèo ở nhà hàng... con ăn nước mắm cay được mà.

    - Ông ngoại cho con thử, nhưng không được cho ba má hay!

    - Dạ!

    Bác Hai kéo chiếc ghế đặt bên cạnh cho thằng cháu ngoại, lấy cái chén, gắp một miếng, sau khi lừa bớt mấy miếng ớt.

    - Con nhai thật chậm mới thấy ngon!

    Thằng cháu bỏ ngay vô miệng, nhai rau ráu, vừa hít hà vừa nói:

    - Hà!... hơi cay nhưng ngon quá ông ngoại! Con thích lắm! ông ngoại cho con thêm?

    Bác hai cười:

    - Con là Việt Nam thứ thiệt rồi! Ăn ba khía được là con ngon! Đúng là cháu của ông ngoại rồi... hà! hà! Ăn thêm đi con!

    Bác Hai vui quá, không ngờ thằng cháu ngoại lại khá như vậy. Con nhà tông mà... Bác gắp thêm vô chén cho nó:

    - Ăn đi con!

    Tùng quay qua ông ngoại:

    - Con khát nước quá! con uống Coke được không ông ngoại?

    - Ờ... được con!

    Tùng chạy vô tủ lấy lon Coke.

    Bây giờ thì giữa khoảng sân nhỏ đầy nắng, Bác Hai không còn một mình nữa, bác ngồi nhậu ba khía với bia cùng thằng cháu ngoại đang hăm hở ăn ba khía với Coke
    .....

    ... Ba khía uống với rượu đế cất bằng nếp ngon mới thưởng thức được hết cái hương vị nồng nàn bưng ruộng miền Tây... Cái cay, cái nồng của đế trắng đủ sức vực dậy mùi ngọt ngào của ba khía tiềm tàng trong từng miếng thơm, dưa leo, từng cái càng vướng chút thịt... Bác Hai nhìn ly bia trên tay mình, ly Coke trên tay cháu ngoại, nhớ lại từng lời của cô Bảy.

    “- Em lúc nào cũng khó khăn. Ăn uống sao cũng được, có em là vui rồi! Khó khăn quá mai mốt nghèo, chịu khổ không quen, chết sớm... anh góa vợ tội nghiệp”.
    .....

    Bác Hai đang rót lon bia vô ly thì Hằng ló đầu từ cửa bếp:

    - Ba với thằng Tùng ăn gì mà hôi vậy? Bước vô nhà là con đã nghe mùi, Rick nó càu nhàu quá.

    Hằng ra sân, bước tới bàn:

    - Cái gì vậy ba?

    - Ba khía!

    - Mắm ba khía, sao ba có được?

    - Mua ở chợ Việt Nam.

    Hằng rên rỉ:

    - Trời ơi! hèn gì hôi cả nhà, đã vậy Ba còn hút thuốc, uống bia, Ba cao máu... mà không kiêng gì hết, ba còn cho thằng Tùng ăn nữa hả? Tội con quá Ba, có chuyện gì thì sao?

    Hằng quay lại đứa con trai:

    - Tùng! vô nhà ngay.

    Quay sang bác Hai:

    - Ba ơi! sao không ăn thứ khác? Con sợ mùi mắm lắm, nó bám cả nhà, mai mốt đãi tiệc... khách khứa tùm lum...?

    Hằng đưa hai tay lên trời.

    - Mắm người ta làm để ăn mà con, Ba thèm.

    - Sao Ba thèm ác vậy?

    - Ngày xưa Má con thường làm cho Ba ăn... bữa nay trời đẹp... tự nhiên Ba nhớ lại!... Ba nhớ Má!... Ba muốn ăn!

    Hằng im lặng cúi xuống, hai cha con lặng thinh, Hằng biết Ba nhớ Má, Hằng biết cái tình đậm đà lưu luyến của Ba mình... Hằng thoáng thấy Bác Hai rơm rớm nước mắt...

    ...

    “ Trong mông lung nào đó cô Bảy bước tới bên chồng:

    - Thôi, anh đừng giận con, bên này tụi nó sống khác mình!...”
    .....

    Hằng khoanh tay nhìn ba, rồi bước vô:

    - Tùng!

    - Dạ.

    - Con có ăn với ông ngoại?

    - Dạ, ngon lắm “mumy”.

    - Con đi tắm, đánh răng ngay!

    Bác Hai cười, ...tắm sao được! đánh răng sao được con! Cái mùi đó nó ăn vào máu, vào thịt của nó rồi... Cháu ngoại của bác Hai mà con!
    ...

    “ Cô Bảy, vợ bác Hai nằm liệt giường cả năm, một ngày bỗng khỏe ra, Hằng đem má về nhà cho ba săn sóc. Cô Bảy hằng ngày sống như người khỏe mạnh, vẫn tới lui trong nhà, vui vẻ với chồng con, chỉ lúc lên cơn thì trở mệt, cần phải nghỉ. Mấy tháng sau cô nhờ người quen mua giùm bộ bà ba lụa Lèo, quần sa-ten tận Cần Thơ gởi qua, chiều nào cũng mặc vô, ngồi chơi với bác Hai, tối ngủ vẫn yêu cầu được nghe tuồng “Sân khấu về khuya”.

    Bác hai săn sóc vợ được vài tháng thì đêm kia sau khi ăn hết hai múi sầu riêng với Bác, cô Bảy vui vẻ tắm rửa sạch sẽ, mở “cát-sét” nghe thẳng một lúc cho hết tuồng cải lương, lên giường ngủ giấc nhẹ nhàng và không bao giờ thức dậy nữa, Cô Bảy về bên kia núi một cách yên lặng, nhẹ nhàng như tiếng “chớt” dễ thương của mình...”
    .....

    Bác Hai chống hai tay trên cằm, nhìn tô ba khía gần hết và ly bia đầy ắp trên bàn... vậy là mất vui, mất hứng!.
    ...

    “Cô Bảy ngồi xuống ghế:

    - Anh uống bia làm hư hết tô ba khía tuyệt chiêu của em!.

    Bác hai cười:

    - Ở đây làm sao có đế trắng em?

    - Thì Scotch!”.

    - Uống cái đó con Hằng nó la như nhà cháy!.

    - Lâu lâu mà!

    - Nó sợ anh chết vì anh bị cao máu!

    - Số trời mà anh! thôi anh uống hết đi, làm sạch tô ba khía cho ngon miệng, món này đâu phải lúc nào em cũng làm”.
    .....

    Bác Hai say, cái sân cỏ nhỏ xíu bỗng như rộng ra chênh vênh trên mặt đường... Bác kéo tô ba khía lại gần, ăn sạch từng miếng, rồi nốc cạn ly bia...

    Buổi tối của mùa hè tới thật trễ, từng vệt đen của bóng đêm loang lổ trên những tàn cây bên đường, chui qua hàng rào, che gần hết sân cỏ...
    ...

    “Cô Bảy kéo bác Hai:

    - Say rồi anh Hai! vô nhà ngủ đi không thôi lạnh!

    - Ừ! anh hút điếu thuốc rồi vô.”
    .....

    Bác Hai bước vô nhà, nằm xuống chiếc giường ngủ lạnh lẽo ở từng hầm.

    Cũng như cô Bảy Cần Thơ, vợ mình... Bác Hai qua đời ngay đêm đó.

    Bác Hai ngủ một giấc bình yên về bên kia cõi Hư Vô, không thức dậy nữa, có lẽ tuổi già hoặc vì mấy lon bia và tô ba khía đậm đà hương đất trời miền Tây của cô Bảy năm nào...
    .....

    “Cô Bảy dọn bàn, đẩy tô ba khía:

    - Em đã dặn anh, ba khía với bia không hợp, uống vô là say “chớtttt...” luôn đó!.

    Bác Hai cười trong cơn say... tiếng “chớt” sao ngọt ngào dễ thương quá... Cô Bảy trẻ trung, tươi mát với bộ bà ba lụa Lèo, chiếc quần sa-ten ngày nào chập chờn, ẩn hiện đâu đó trong giấc ngủ dài của bác...”

    Hồ Đắc Vũ

      Current date/time is Fri Apr 19, 2024 9:01 pm